Có 1/5 nhà tuyển dụng tuyển ứng viên qua mạng

Những thông tin như ai, cái gì, ở đâu… trong các nội dung bạn “post” lên trang cá nhân của mình đang trở nên vô cùng quan trọng. Theo nghiên cứu của Careerbuilder thì có tới 1/5 nhà tuyển dụng tìm kiếm các ứng viên tiềm năng thông qua web và các mạng xã hội.

Theo đó, nghiên cứu của Careerbuilder cho thấy, trong số 3,169 nhà tuyển dụng thì có tới 22% (tương đương khoảng 698 người) đã dùng các mạng xã hội để tìm kiếm thông tin liên quan tới các ứng viên họ quan tâm. Nếu so với năm 2006 thì con số này là 11% (tương đương 349 người).
Ngay cả với 22%, con số có vẻ như chưa đáng kể lắm trong thời điểm hiện tại thì người ta vẫn có thể tin tưởng rằng theo thời gian, tỉ lệ này sẽ tiếp tục tăng lên. Nghiên cứu của Careerbuilder cũng cho biết có 9% nhà tuyển dụng được hỏi cho rằng, mặc dù hiện tại họ chưa sử dụng các mạng xã hội để tìm kiếm thông tin nhưng đây cũng là điều nằm trong dự kiến của họ.
Tuy nhiên vấn đề đáng nói ở đây là có tới 1/3 ứng viên được tìm hiểu thông tin qua mạng đó đã bị loại khỏi cuộc đua tìm việc sau khi nhà tuyển dụng phát hiện những thông tin không phù hợp của họ đăng tải trên các trang web cá nhân.
Vậy thì ai sẽ là người lo lắng hơn cả về những số liệu thống kê này? Đó chính là những người đang chuẩn bị đi làm. Mạng xã hội khi còn đi học rất khác so với thế giới công sở. Những bức ảnh về cuộc nhậu nhẹt bí tỉ hồi cuối tuần được post lên web cá nhân có thể sẽ là điều hoàn toàn bình thường nếu mọi người không tán đồng nhưng sẽ gây ra không ít khó khăn khi có những lời bình luận của bạn bè rằng, bạn sẽ là “của nợ” nơi công sở, v.v. 
Vậy đó, nếu bạn đang tìm kiếm một công việc, hãy suy nghĩ về những bước “làm sạch” hồ sơ cá nhân của mình trên Internet như sau:
Thứ nhất: cần tìm hiểu kỹ về những thiết lập cá nhân. Các mạng xã hội kiểu như Facebook và MySpace luôn có những công cụ chỉ cho phép bạn và bạn bè của bạn được quyền “chiêm ngưỡng” những bức ảnh “tai tiếng” nhất. Blog cũng là nơi tiềm ẩn nguy cơ lớn (chẳng phải đã có không ít trường hợp bị rắc rối vì blog gần đây đó sao), do đó bạn cũng nên có thiết lập cá nhân để cho phép ai là người có quyền được xem những điều bạn viết.
Thứ hai: bạn hãy dùng công cụ tìm kiếm để kiểm soát những thông tin trên mạng nói về bạn. Bạn có thể dùng những cỗ máy tìm kiếm lớn như Yahoo! và Google hoặc Pipl.com (một trang web chuyên về tìm kiếm người). Những kết quả bạn tìm được cũng thường là những kết quả mà nhà tuyển dụng tương lai của bạn có thể nhìn thấy.
Thứ ba: đừng “đánh bạn” với bất cứ ai trừ khi bạn hoàn toàn tin tưởng sẽ không có bất cứ tác động tiêu cực nào (ngay cả như thế thì vẫn có thể có nguy cơ). Nói chung chúng ta nên giữ các mạng xã hội cá nhân và công việc hoàn toàn tách biệt, nhưng điều này là tương đối khó.
Thứ tư: kiểm soát những gì người ta thông tin về bạn. Hệ thống ảnh của Facebook là hệ thống thực sự nguy hiểm vì nó có thể link từ hình ảnh của bạn tới hồ sơ cá nhân. Tất nhiên điều này rất khó kiểm soát nhưng cũng lại rất quan trọng.

Theo Yahoo