Buổi phỏng vấn đang diễn ra suôn sẻ. Bạn đã vượt qua rất nhiều câu hỏi khó và đã nói được những điểm quan trọng. Thế nhưng sau khi tự tin trả lời một câu hỏi khá hóc búa, tất cả những gì bạn nhận được lại là một sự im lặng tuyệt đối.
Bạn sẽ làm gì? Có một thực tế là hầu hết các ứng viên đều vội vàng tìm cách lấp đầy khoảng lặng bằng cách bắt đầu nói tiếp. Nhiều người rất sợ sự im lặng và vô tình họ đã đẩy mình vào tình thế của những người mắc lỗi đang cố gắng sửa sai. Họ sẽ tìm mọi cách để xóa bỏ sự im lặng, và vì thế bắt đầu cố gắng mở rộng và hoàn thiện thêm câu trả lời của mình với hy vọng sẽ có thể giải quyết được vấn đề.
Tuy nhiên điều này lại khiến cho các ứng viên tiết lộ thêm nhiều thông tin hơn mức cần thiết, các thông tin không liên quan và thậm chí tệ hơn là có thể ảnh hưởng xấu đến chính cuộc phỏng vấn.
Một nhân viên kiểm toán thổ lộ, cô từng để lỡ một cơ hội được làm công việc mơ ước từ lâu chỉ vì quá căng thẳng khi phải đối diện với sự im lặng trong vòng phỏng vấn.
“Khi được hỏi nếu trúng xổ số 1 triệu đô la, thì liệu tôi có tiếp tục làm việc nữa không? Tôi trả lời rằng nếu được làm cho công ty này, tôi sẽ tiếp tục vì tôi muốn được làm công việc mà tôi yêu thích. Thực sự đó là câu trả lời rất thật lòng, thế nhưng người giám đốc phỏng vấn tôi chỉ im lặng chăm chú nhìn tôi một cách nghi ngờ”.
“Một lúc sau, ông ấy vẫn không nói gì và tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng. Tôi bắt đầu thừa nhận rằng nếu tôi có số tiền đó tôi sẽ thay đổi rất nhiều thứ… Và mọi chuyện bắt đầu tồi tệ kể từ phút đó”.
Bất kỳ khi nào bạn phải đối mặt với sự im lặng thì chiến lược tốt nhất là chứng tỏ nó không làm bạn sợ hãi hay căng thẳng. Nên biết rằng, một số người sử dụng sự im lặng như một biện pháp kiểm tra xem bạn đối mặt với sự căng thẳng như thế nào. Vì vậy, tỏ thái độ bình tĩnh sẽ giải quyết tình huống hiệu quả hơn rất nhiều so với việc tiếp tục nói, nhất là khi bạn không biết chắc nên nói điều gì và không rõ thái độ của người phỏng vấn.
Khi gặp phải tình huống này, bạn nên giữ im lặng một lúc và có thể hỏi một cách chân thành: “Liệu còn có điều gì tôi cần làm rõ thêm để trả lời vấn đề này không?”.
Đây là cách đẩy quả bóng lại cho người phỏng vấn. Nếu thực sự những gì bạn đã nói không làm cho người phỏng vấn hài lòng, thì câu hỏi này giúp bạn có ý niệm rõ ràng hơn nên phải trả lời tiếp như thế nào.
Biết phải nói những gì rất quan trọng. Nhưng biết lúc nào nên dừng lại còn quan trọng hơn rất nhiều. Để tránh rơi vào tình trạng mất điểm khi tình huống này xảy ra, bạn nên nhớ một số điểm sau:
Chuẩn bị trước ở nhà bằng cách dự đoán các câu hỏi mà bạn sẽ phải trả lời và chuẩn bị câu trả lời một cách ngắn gọn, xúc tích trong khoảng 2-3 phút cho mỗi câu.
Không nói nhiều đến thời gian, trình tự làm việc hay các thông tin khác đã viết trên hồ sơ trừ phi họ yêu cầu.
Trước mỗi câu hỏi khó, nên ngừng một chút để suy nghĩ. Điều này không chỉ giúp bạn sắp xếp các ý bạn định trả lời mà còn tạo cảm giác thành thực trong cầu trả lời.
Quan sát lời nói và thái độ của người phỏng vấn để có thể đoán biết phản ứng của họ và điều chỉnh các câu trả lời cho thích hợp.
Mang theo danh sách các dự án mà bạn đã hoàn thành xuất sắc để nhà tuyển dụng thấy được năng lực của bạn và có thể đặt câu hỏi về các dự án mà họ thích thú và quan tâm.
Trong bất kỳ trường hợp nào, bạn cũng nên thoải mái với sự im lặng. hãy nhớ rằng tài hùng biện là ở chỗ nói những điều thích hợp… Và dĩ nhiên, dừng lại đúng lúc!
Theo Vietnamworks