Tìm điểm sáng 2013 cho xuất khẩu thủy sản

Bên cạnh tìm kiếm những điểm sáng mới về thị trường, doanh nghiệp thủy sản cũng phải tự làm mới mình để đối phó với những khó khăn về thị trường xuất khẩu trong năm 2013.

Thị trường chính giảm sút
Đến thời điểm này, xuất khẩu thủy sản cả nước mới đạt 5,6 tỷ USD. TS. Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) khẳng định, xuất khẩu thủy sản năm nay khó đạt mục tiêu đề ra.

Cụ thể, xuất khẩu cả năm có khả năng đạt 6,18 tỷ USD, tức chỉ tăng gần 1% so với năm 2011. Thông thường, vào quý IV hàng năm, xuất khẩu thủy sản sẽ tăng tốc vì nhu cầu tiêu dùng của các thị trường chính như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản tăng mạnh. Tuy nhiên, do khó khăn chung về kinh tế, năm nay, tình hình xuất khẩu sang các thị trường lớn đều không mấy khả quan.

Bà Lê Hằng, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại (thuộc Vasep) cho hay, trong các thị trường xuất khẩu thủy sản chính của Việt Nam, EU là thị trường sụt giảm mạnh nhất, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế làm giảm nhu cầu nhập khẩu.

Tính đến hết quý III/2012, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này giảm 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, cá tra giảm 21%, tôm giảm 24,6%. Bù lại, các mặt hàng hải sản xuất khẩu sang EU năm nay tương đối khả quan, trong đó, mực, bạch tuộc tăng 21,9%; cá ngừ tăng 51,6%, góp phần đáng kể kéo lại sự sụt giảm của mặt hàng chính là tôm và cá tra. 

Tương tự, xuất khẩu tôm và cá tra sang thị trường Mỹ – thị trường đứng đầu về xuất khẩu thủy sản nước ta, cũng sụt giảm mạnh. Cụ thể, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong quý III mặc dù tăng 3,4% so với quý II, nhưng giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường Nhật Bản có sức tiêu thụ tốt và ổn định. Nhưng với quy định kiểm tra ethoxyquin ở hàm lượng quá thấp (0,01 ppm) đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam (áp dụng từ tháng 7/2012), xuất khẩu tôm vào thị trường Nhật đã chậm lại.

Điều may mắn là, trong khi 3 thị trường chính sụt giảm, một số thị trường khác lại tăng trưởng khá tốt, như Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á, với mức tăng từ 7% đến 22%. Tuy nhiên, tăng trưởng của các thị trường này đang có nguy cơ chậm lại vì những rào cản. Đơn cử, Trung Quốc yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu vào nước này phải đăng ký với Cơ quan quản lý Trung Quốc. Còn doanh nghiệp nhập khẩu Indonesia bị áp hạn ngạch nhập khẩu thủy sản, lượng hàng vào thị trường này vì thế sẽ bị hạn chế.

Củng cố sức mạnh, tìm thị trường mới
Tôm và cá tra là hai sản phẩm xuất khẩu chính của xuất khẩu thủy sản nước ta, nhưng hiện tại, cả hai mặt hàng này đều gặp nhiều khó khăn. Đáng nói, chưa có dấu hiệu gì cho thấy, xuất khẩu hai mặt hàng này sẽ sáng sủa hơn trong năm 2013.

Theo báo cáo của Vasep, xuất khẩu tôm năm 2012 có khả năng chỉ đạt 2,2 tỷ USD so với mục tiêu đề ra là 2,4 tỷ USD. Năm 2013, trong khi thị trường lớn là Nhật Bản sẽ gặp khó khăn do quy định mới về tỷ lệ Ethoxyquin trong tôm của nước này quá khắt khe như đã nêu, các thị trường khác vẫn chưa thấy có điểm sáng.

Xuất khẩu tôm sang EU tiếp tục dự báo khó khăn do nhu giảm mạnh dưới tác động của khủng hoảng kinh tế. Còn thị trường Mỹ được dự báo khó có đột biến, do lượng tôm dự trữ của nước này còn khá lớn. Chưa kể, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ gặp cạnh tranh gay gắt của Ấn Độ, Indonesia. Trong bối cảnh này, Australia đang là thị trường được doanh nghiệp xuất khẩu tôm trong nước nhắm tới.

Riêng với cá tra, xuất khẩu vài tháng gần đây đã có dấu hiệu hồi phục, tăng khá mạnh ở hầu hết các thị trường, đưa xuất khẩu cá tra cả năm tương đương với năm ngoái (1,8 tỷ USD). Dù gặp khó khăn về thị trường chính, nhưng một số thị trường khác đã có sự tăng trưởng tốt, như Hồng Kông, Trung Quốc, Nga, Brazil và Columbia…

Tuy nhiên, khó khăn với doanh nghiệp xuất khẩu cá tra không phải từ thị trường tiêu thụ mà từ chính những biến động kinh tế trong nước. Từ quý II/2012, các ngân hàng siết chặt tín dụng với cá tra, đồng thời đẩy mạnh thu hồi nợ.

Trước tình cảnh này, nhiều doanh nghiệp đã hạ phẩm cấp, chất lượng cá tra, bán tháo với giá rẻ để thu hồi vốn, trả lãi ngân hàng. Ông Nguyễn Văn Ký, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang khẳng định, có tình trạng đó là do nhiều doanh nghiệp đã cụt vốn, buộc phải tìm mọi cách bán sản phẩm để thu hồi vốn.

Trước tình hình đó, ông Nguyễn Hữu Dũng cảnh báo, doanh nghiệp bán tháo sản phẩm, đặc biệt là giảm chất lượng sản phẩm có thể gây hại cho uy tín cả ngành sản xuất cá tra Việt Nam. Nếu tình trạng này không được ngăn chặn, ngành cá tra sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Theo Vasep, để chấm dứt sự lộn xộn trong ngành cá tra, cần loại bỏ một số doanh nghiệp không đủ cơ sở vật chất và vốn, nhưng vẫn thu mua, chế biến cá tra, làm ra sản phẩm kém chất lượng.

Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thủy sản”

Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Năm nay, xuất khẩu thủy sản tăng trưởng chậm hơn so với năm vừa qua, nhưng cơ bản vẫn giữ được sự ổn định. Nhìn chung, xuất khẩu nông – lâm – thủy sản cả nước vẫn tăng trưởng tốt, dự báo cả năm khoảng 27 tỷ USD, tăng 10% so với năm ngoái.

Năm 2013, mục tiêu ngành nông nghiệp đề ra là vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. Điều này đòi hỏi nhiều ngành, trong đó có ngành thủy sản phải đặc biệt nỗ lực

Theo Hà Tâm