Trong “Ngày hội đầu tư” (*) tổ chức ngày 16/2, TS Alan Phan “xui” khán giả ghi vào sổ tay như một quyết tâm, một lời tự nhắc nhở: “Sẽ kiếm 1 triệu USD trước 2017″…
Đương nhiên, ghi vào sổ thì dễ biến nó thành hiện thực mới khó. TS Alan Phan quả quyết: “Tôi tin rằng, một doanh nhân trẻ tìm ra một mô hình kinh doanh sáng tạo và dồn hết tâm trí nội lực của mình liên tục trong 5 năm sẽ nhất định trở thành một triệu phú đô la”.
Và vì điều kiện thứ 2 phụ thuộc vào mỗi cá nhân nên ông Alan Phan và các diễn giả của “Ngày hội đầu tư” đã tìm mọi cách gợi mở cho khán giả của họ đường đến với “mô hình kinh doanh sáng tạo”. Có thể đó vẫn là kinh doanh café – việc mà hàng ngàn doanh nghiệp đang làm – nhưng là kinh doanh dựa trên một triết lý và niềm tin chắc chắn rằng, “nông nghiệp là một quyền lực như Đặng Lê Nguyên Vũ, người sáng lập Cà Phê Trung Nguyên. Cũng có thể, phải tìm ra cho mình một “ngách” nhỏ bé mà người khác dù có muốn cạnh tranh cũng khó mà làm được như Nguyễn Đình Nhơn…
Ðầu tư ngoại hối
Xuất thân là dân kỹ thuật, nhưng ông Nhơn hiện tại là một nhà nghiên cứu độc lập về thị trường tiền tệ. Từ chính kinh nghiệm lập nghiệp của mình, chuyên gia này nhấn mạnh: “Thị trường tài chính vô cùng rộng lớn, chứa đựng nhiều thử thách, nhưng cũng nhiều cơ hội cho cả các nhà nghiên cứu lẫn nhà đầu tư”.
Nguyên tắc của đầu tư ngoại hối tưởng chừng như không quá phức tạp, tuy còn khá mới mẻ ở Việt Nam: trên cơ sở giá trị thực và giá thị trường của một đồng tiền, nhà đầu tư sẽ quyết định lựa chọn loại ngoại tệ để đầu tư. Nhà đầu tư giỏi là người mua thấp bán cao hoặc mua cao rồi bán với giá cao hơn. Mỗi loại tiền tệ có một đặc tính khác nhau nên các nhà buôn tiền sẽ tự lựa chọn cho mình một đồng tiền phù hợp và tùy vào tình hình thực tế mà dịch chuyển tỷ trọng các loại tiền đang nắm giữ. Tuy nhiên, đa số các nhà buôn trên toàn cầu tập trung giao dịch các loại tiền thông dụng với hầu hết mọi quốc gia trên thế giới: đô la Mỹ, yên Nhật, nhân dân tệ Trung Quốc, franc Thụy Sĩ…
Sau khi “chọn được mặt tiền” để gửi… tiền, việc tiếp theo là tìm đến thị trường ngoại hối (FOREX), nơi các nhà buôn tiền trên toàn cầu luôn sẵn sàng mua bán các loại tiền. Ước tính đang có khoảng 4.500 tổ chức giao dịch tiền tệ đang tham gia thị trường này. Nếu như trước đây FOREX là nơi tập hợp các ngân hàng, các công ty tài chính lớn thì ngày nay, với sự hỗ trợ của Internet, các công ty môi giới đã ra đời cho phép các nhà đầu tư cá nhân mở các tài khoản nhỏ. Những ưu điểm của thị trường cũng đã được ông Nhơn chỉ rõ: đó là giao dịch 24/24h; không bị định hướng bởi bất kỳ ai trong dài hạn (do nó quá lớn và quá nhiều thành phần tham gia) và tính thanh khoản cực kỳ cao.
Cơ hội cho những ai?
Cánh cửa rộng lớn đã được mở ra, cho thấy một sân chơi thênh thang. Tuy thế, không phải ai cũng có thể gia nhập cuộc chơi. Theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhà đầu tư cá nhân không được phép giao dịch mua bán ngoại hối trên thị trường tự do cũng như kinh doanh ngoại hối bằng tài khoản tại các sàn giao dịch. Ngoại hối đang được Ngân hàng Nhà nước quản lý chặt chẽ để giải quyết các vấn đề tài chính vĩ mô. Điều này cũng có nghĩa là chỉ có các tổ chức tài chính mới có thể tham gia thị trường, còn cơ hội tìm kiếm lợi nhuận từ giao dịch mua bán ngoại tệ của nhà đầu tư cá nhân bằng không (0).
Nhưng như vậy cũng không có nghĩa là không có cơ hội khác.
“Những nhà buôn tiền thường sẵn sàng trả tiền cho những dự báo về xu hướng tăng giảm giá trị tiền tệ theo quy luật cung cầu trong ngắn hạn và dài hạn”, ông Nhơn nói. Đây chính là cơ hội cho các nhà nghiên cứu thị trường ngoại hối. Ông Nhơn và cộng sự đang cung cấp dịch vụ tư vấn giao dịch ngoại hối cho các nhà đầu tư được phép giao dịch ngoại hối trên toàn cầu, giúp họ có được câu trả lời: mua tiền gì, ở đâu và bán ở đâu.
“Với hàng trăm triệu nhà buôn tiền trên thế giới thì dịch vụ này có thể tạo ra một nguồn lợi nhuận rất hấp dẫn. Khi nào nhân loại còn sử dụng tiền thì sẽ còn khách hàng sử dụng dịch vụ tư vấn giao dịch ngoại hối”, nhà nghiên cứu này khẳng định. Mô hình giao dịch ngoại hối mà ông và cộng sự xây dựng dựa trên những phân tích cơ bản (các chính sách tiền tệ trong ngắn và dài hạn, sự tác động của các chỉ số kinh tế đối với giá trị đồng tiền của mỗi quốc gia và khu vực); phân tích kỹ thuật (nhằm dự báo xu hướng tăng giảm của tỷ giá, xác định các ngưỡng kháng cự và hỗ trợ để chỉ ra vùng giao dịch khả thi) đã cho kết quả đáng khích lệ. Xa hơn một chút, để cung cấp dự báo cho hàng triệu triệu nhà buôn tiền thì không một nhà nghiên cứu thị trường nào làm xuể. Và rất có thể sẽ ra đời các nhà cung cấp dịch vụ này…
Một so sánh hơi khập khiễng (nhưng so sánh nào mà lại không có chỗ khập khiễng?): ở thời kỳ cao trào của bất động sản, nhiều người bán nước chè không có một đồng vốn nào – tức là không thể trực tiếp tham gia vào thị trường bất động sản – đã kiếm được không ít tiền nhờ hiểu biết của họ về nhu cầu mua – bán, về các dự án đang được triển khai trong khu vực, thậm chí là về đặc điểm gia đình, tính cách của người bán, người mua bất động sản. Đặc biệt là ở thị trường bất động sản phía Bắc, nơi các quán nước chè có xu hướng biến thành “trung tâm tập hợp và phân tích thông tin”. Loại trừ yếu tố tiêu cực, người có công tập hợp thông tin và cung cấp cho đúng người cần có nó đã được trả công xứng đáng.
Còn nhớ, trong cuốn sách “Nóng, phẳng, chật”, nhà báo nổi tiếng Thomas Friedman bày tỏ thất vọng của ông về một nước Mỹ đang dần mất đi vị trí hàng đầu trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, có một điều khiến ông vẫn tin tưởng là cơ sở để nước Mỹ có thể trở lại thời hoàng kim, đó là “cả nước Mỹ vẫn bùng nổ sáng tạo”. Những phát minh có giá trị đã và đang chào đời không chỉ ở trong các phòng thí nghiệm hiện đại với các tiến sĩ mặc áo blouse trắng mà ngay từ những gara của người dân bình thường.
Quả thực, suy nghĩ năng động, sáng tạo không ngừng và không ngại thực thi cái mới, chính là động lực cho phát triển trong mọi lĩnh vực là bí quyết để các nhà đầu tư giữ vững được vị trí, thậm chí dẫn dắt được doanh nghiệp phát triển dù thương trường (vốn đã đầy ắp đối thủ cạnh tranh khốc liệt), giờ đây lại thêm sóng gió và mây đen từ những cuộc khủng hoảng nợ công và suy thoái kinh tế.
Theo kienthuckinhte