Giới đầu tư ưa thích nhất nước nào?

Theo kết quả bình chọn mới nhất được tạp chí danh tiếng Forbes vừa công bố, New Zealand tiếp tục có những tiến bộ vượt bậc khi vượt qua 141 quốc gia khác để trở thành quốc gia có môi trường kinh doanh tốt nhất toàn cầu, tăng một hạng so với năm trước. Trong khi nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ đã lọt khỏi top 10 khi rơi xuống vị trí 12.
Trong khi đó, Việt Nam được xếp ở hạng 109 và xếp sau một số quốc gia Đông Nam Á như Singapore (4), Thái Lan (67), Indonesia (76) và Philipin (87).
Đáng chú ý nhất là việc Mỹ đã liên tục tụt hạng trong những năm qua và hiện đã rơi khỏi top 10 khi chỉ được xếp ở hạng 12. Mặc dù Mỹ đã vượt qua khá tốt khủng hoảng tài chính 2009 nhưng tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn còn ì ạch và tỷ lệ thất nghiệp cao kéo dài. Vấn đề thuế (quá cao và hệ thống thuế phức tạp) cộng với việc khởi nghiệp khá khó khăn là những điểm trừ của Mỹ trong năm nay.
Kết quả được Forbes đưa ra dựa vào việc khảo sát 11 yếu tố khác nhau ảnh hưởng tới môi trường đầu tư: Quyền sở hữu, sự đổi mới, thuế, công nghệ, tham nhũng, tính tự do (cá nhân, tiền tệ và thương mại), quan liêu, bảo vệ nhà đầu tư và thị trường chứng khoán. Dưới đây là Top 5 môi trường đầu tư tốt nhất thế giới theo Forbes:

1. New Zealand
New Zealand đã vươn từ vị trí thứ 2 trong năm ngoái để đạt quán quân trong năm nay nhờ vào môi trường kinh doanh minh bạch và ổn định. Với GDP chỉ 162 tỷ USD, New Zealand là quốc gia có quy mô nền kinh tế nhỏ nhất trong Top 10 nhưng lại dẫn đầu 4 trong số 11 tiêu chí mà Forbes đưa ra bao gồm : Quyền tự do cá nhân và bảo vệ nhà đầu tư, quan liêu và tham nhũng.
Gắn chặt với nền kinh tế New Zealand là Úc và cả hai đều được đánh giá tốt nhất khi đối mặt với khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhược điểm là đồng Đô la New Zealand đang tăng nóng, gây tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu nông sản và khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên tới 7,3%, mức cao nhất kể từ năm 1999.
Năm ngoái, New Zealand đã cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 30% xuống còn 28% và loại bỏ một số loại phí. Thị trường chứng khoán New Zealand cũng có mức tăng trưởng tốt khi chỉ số NZX 50 đã tăng được 24% trong vòng 12 tháng qua

2. Đan Mạch
Đan Mạch là quốc gia đứng thứ 2 trong danh sách nhờ vào những yếu tố như sức mạnh công nghệ, tự do thương mại và quyền sở hữu. Đan Mạch cũng là một trong những quốc gia có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới khi đạt 59.684 USD. Tuy nhiên, hiện tại Đan Mạch đang phải vật lộn với tình trạng bong bóng bất động sản, tăng trưởng thấp thậm chí tăng trưởng âm 0,4% trong quý 2/2012. Mặc dù vậy, với môi trường kinh doanh thân thiện, Đan Mạch được cho là sẽ nhanh chóng phục hồi với tốc độ vượt trội so với các quốc gia Châu Âu khác.

3. Hong Kong
Xếp thứ 3 về môi trường đầu tư là đặc khu kinh tế Hông Kong. Với đặc điểm là một trong những trung tâm tài chính lớn của thế giới, điểm cộng cho Hong Kong là chính sách thị trường tự do, thuế doanh nghiệp thấp và là cửa ngõ bước vào thị trường đông dân nhất thế giới. Tăng trưởng GDP của Hong Kong trong năm 2011 là 5% trong khi tỷ lệ thất nghiệp chỉ 3,2%.

4. Singapore
Singapore là quốc gia xếp hạng 4 mặc dù trong số 11 yếu tố Singapore có rất nhiều yếu tố dẫn đầu. Điều duy nhất khiến Singapore không được xếp ở vị trí số 1 là yếu tố tự do cá nhân thấp, theo như đánh giá của Tổ chức tự do quốc tế. Nền kinh tế Singapore dựa chủ yếu vào xuất khẩu, đặc biệt trong ngành điện tử tiêu dùng và công nghệ thông tin. Trong năm 2011, tăng trưởng GDP của đảo quốc nhỏ bé này là 4,9% với thặng dư thương mại chiếm 24% GDP.

5. Canada
Canada xếp hạng 5 trong danh sách và cũng là quốc gia bị tụt hạng nhiều nhất khi trong năm 2011, đây là quốc gia dẫn đầu danh sách do các yếu tố sáng tạo và công nghệ. Theo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu vừa được công bố tại Diễn đàn kinh tế thế giới, kinh tế Canada đang gặp những áp lực lớn. Tuy nhiên, đây vẫn là một trong những môi trường kinh doanh tốt nhất toàn cầu với ưu điểm về tự do thương mại, bảo vệ nhà đầu tư và khởi nghiệp.
Lần lượt các quốc gia còn lại trong Top 10 là Ireland, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan và Anh. Trong khi đó, 10 quốc gia có môi trường kinh doanh tồi tệ nhất thuộc về Cote d’Ivoire, Yemen, Mauritania, Ethiopia, Haiti, Cameroon, Venezuela, Zimbabwe, Chad và Guinea.

Theo Nhuongquyenvietnam