Thời điểm thuận lợi của ngành hàng tiêu dùng.

Bất chấp những khó khăn của nền kinh tế, tiết kiệm chi tiêu của người dân, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá hiện là thời điểm thuận lợi để đổ vốn vào ngành hàng tiêu dùng.
Gần đây, các quỹ đầu tư hướng nhiều hơn dòng vốn vào các doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng do kết quả kinh doanh khả quan và an toàn hơn những khu vực khác…

Nước giải khát “dậy sóng”
Đi đầu trong phong trào đẩy mạnh đầu tư, mở rộng thị phần là các doanh nghiệp ngành hàng nước giải khát và sự chen chân của các doanh nghiệp bên ngoài vào lĩnh vực đầy tiềm năng này.
Điển hình như Vedan Việt Nam, sau nhiều năm tham gia sản xuất và chế biến những sản phẩm trong ngành gia vị, doanh nghiệp này gần đây đã quay sang đầu tư vào mặt hàng nước uống Thiên Trà.
Việc mở rộng dòng sản phẩm kinh doanh tại Việt Nam của Vedan trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay, theo các chuyên gia, cho thấy thị trường nước giải khát vẫn sẽ tăng trưởng tốt.
Đáng kể nhất là kế hoạch mở rộng đầu tư của hai “ông lớn” là Coca-Cola và PepsiCo, hiện đang chiếm đến 60% thị phần trên thị trường nước giải khát (riêng ở mảng nước giải khát có gas, 2 hãng này gần như hoàn toàn độc chiếm).
Cụ thể, Coca-Cola, công bố sẽ rót thêm 300 triệu USD vào Việt Nam, bắt đầu từ năm 2013 và kết thúc năm 2015; phần lớn nguồn vốn đầu tư kể trên dự kiến được sử dụng vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà máy tại Việt Nam.
Hiện Coca-Cola có ba nhà máy tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, tập đoàn này cũng sẽ đầu tư cho việc phát triển thương hiệu và thị trường… Quyết định này được đưa ra sau khi Coca-Cola kết thúc việc giải ngân khoản đầu tư 200 triệu USD giai đoạn 2010-2012 cho thị trường Việt Nam.
Trong khi đó, PepsicCo đã công bố hình thành liên minh chiến lược với hãng đồ uống Suntory (Nhật) tại Việt Nam, với việc Suntory sẽ nắm giữ 51% cổ phần của PepsiCo tại Việt Nam và PepsiCo giữ 49% cổ phần còn lại trong dự án.
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Rượu bia và Nước giải khát Việt Nam, thị trường nước giải khát không cồn của Việt Nam trong 5-7 năm qua luôn tăng trưởng trên 20% – là mức tăng trưởng cao của thế giới.
Trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt đến từ các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước của ngành nước giải khát cũng chuyển động. Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã quyết định đầu tư hai nhà máy mới sản xuất 40 loại sản phẩm đồ uống tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên với nhà máy nước giải khát Number One Chu Lai (công suất 600 triệu lít/năm) và miền Bắc với nhà máy nước giải khát Number One Hà Nam (tổng công suất 950 triệu lít/năm).
Hai nhà máy đều được đầu tư 100% các dây chuyền sản xuất đồng bộ và hiện đại từ châu Âu, quy trình sản xuất khép kín.
Theo các chuyên gia, tốc độ tăng trưởng của ngành giải khát không cồn sẽ tiếp tục tăng và còn nhiều khoảng trống. Nhưng muốn đặt chân vào thị trường nước uống đóng chai Việt Nam không dễ vì các nhà sản xuất lâu năm với tên tuổi lớn đã có thị trường và kênh phân phối rộng khắp. Các hãng này cũng sẵn sàng mạnh tay chi cho việc quảng bá và giới thiệu sản phẩm.

Gia vị “sôi động” không kém
So sánh với thị trường nước giải khát, ngành hàng gia vị là khá nhỏ bé nhưng lại đang có nhiều ưu thế phát triển với tốc độ lên tới từ 150-200%/năm. Vì vậy, thị trường đã đón nhận được sự góp mặt của hàng loạt doanh nghiệp tham gia vào phân khúc này, từ các đơn vị có thương hiệu lớn như Ajinomoto, Unilever, Masan đến các thương hiệu quen thuộc như Trường Thành, Cholimex… Thậm chí, các nhà bán lẻ như Co.opmart, Big C cũng có những dòng sản phẩm riêng để cạnh tranh giành khách hàng.
Nhìn vào số lượng trên 100 nhãn hiệu đang tham gia vào thị trường gia vị, nhiều người cho rằng cung đã đủ cầu. Song, các nhà sản xuất cho rằng hiện nay mức tiêu thụ gia vị của các gia đình tại Việt Nam vẫn còn đạt mức trung bình và còn nhiều dư địa để khai thác.
Các nhà sản xuất cũng đang đẩy mạnh phát triển nhiều dòng sản phẩm gia vị chế biến sẵn dành cho các món ăn quen thuộc như phở, lẩu với đủ hương vị khác nhau để người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn.
Mặc dù vẫn bị lấn át bởi các doanh nghiệp ngoại nhưng khuynh hướng cạnh tranh giành ưu thế đặc sản đã hình thành và phát triển mạnh trong cộng đồng nhà sản xuất trong nước. Nhờ vậy, những thương hiệu như nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết giành được thị phần tiêu thụ lớn bên cạnh sản phẩm được quảng cáo rầm rộ khác.

M&A “thừa thắng xông lên”
Không chỉ tăng vốn, mở rộng đầu tư, nhiều nhà đầu tư nước ngoài còn xâm nhập vào thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam thông qua các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) hay đẩy mạnh nhượng quyền thương mại.
Trong năm 2011, ngành hàng tiêu dùng đã đứng đầu danh sách các thương vụ M&A tại Việt Nam với tổng giá trị hơn 1,2 tỷ USD, và diễn biến thực tế trong năm 2012 đã cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư.
Bà Đặng Phạm Minh Loan, Phó Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư VinaCapital cho biết, có 3 nguyên nhân khiến ngành hàng tiêu dùng tiếp tục nóng. Thứ nhất, nền tảng thị trường tiêu dùng Việt Nam vẫn rất tốt, đặc biệt là dân số trẻ và thu nhập ngày càng tăng. Thứ hai, các doanh nghiệp hàng tiêu dùng trong nước đang gặp khó khăn về vốn, do lãi suất cao. Thứ ba, khi thị trường phát triển, theo quy luật đào thải, doanh nghiệp cần xây dựng giá trị cốt lõi và đầu tư con người.
Vì vậy, các ý kiến tại Hội thảo “Vốn đầu tư tư nhân Đông Nam Á 2012” đánh giá các ngành hành được các quỹ quan tâm hiện nay tại Việt Nam là hàng tiêu dùng, y tế và dược phẩm, giáo dục, viễn thông, logistics…
Đây cũng là nhận định TS Alan Phan, Chủ tịch Quỹ VIASA, khi cho rằng nếu nhìn vào nhu cầu của thế giới và thực tế ở Việt Nam, có thể nhận thấy hai lĩnh vực tiêu dùng và nông nghiệp đang thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia M&A hơn cả.
Vì thâm nhập thị trường hai ngành này không dễ dàng nên việc khối ngoại đầu tư gián tiếp thông qua mua lại, mua cổ phần chiến lược có phần thuận lợi hơn là gây dựng từ đầu. Điều này chắc chắn sẽ làm cho làn sóng doanh nghiệp nước ngoài mua cổ phiếu Việt Nam trong lĩnh vực này sẽ còn kéo dài.

Theo Nhuongquyenvietnam