Có nhiều người, dù muốn hay không, bỗng chốc đã trở thành những nhân vật gây cười, thành chủ đề mua vui cho đồng nghiệp tha hồ đàm tiếu chỉ vì những lý do không đâu vào đâu.
Thanh là một nữ nhân viên tuy không nổi bật, xuất chúng, nhưng lại rất chăm chỉ, cần cù. Mọi việc được sếp giao, cô đều cố gắng hết sức mình để hoàn thành. Chưa từng một lần phạm lỗi, cũng không hề thiếu sót trong cách cư xử với mọi người, nhưng cô lại luôn trở thành chủ đề bàn tán, xì xào của nhiều đồng nghiệp trong công ty, chỉ vì một nỗi: ngoại hình không tương đối. Với chiều cao không được ưu ái, cô lại có hai cánh tay dài, và gương mặt không được hài hòa cho lắm. Ở chỗ làm, người thì e ngại thì chỉ khẽ phì cười khi nhìn thấy dáng cô khệ nệ ôm tập tài liệu, người thì trơ tráo và tàn nhẫn thì buông lời mỉa mai sau cái cười nửa miệng: “Vượn cổ Châu Á”. Mỗi lần thấy “Thanh vượn” tất tả làm việc để lấy cần cù bù thông minh, lấy cái nhiệt tình bù cho dung nhan không được vẹn toàn, nhiều người lại xúm vào với nhau để bĩu môi và thầm thì chế giễu.
Hoàn toàn ngược lại với Thanh, Ngân là một cô gái xinh xắn, đồng thời lại rất hoạt bát và nhanh nhẹn. Tuy nhiên, yếu điểm của cô là “ruột để ngoài da” và mỗi khi vui thì lại nói hơi nhiều. Chính vì điều này, mà Ngân nhiều khi “vui mồm lỡ dại”, buột miệng nói ra đôi ba câu ngu ngơ khiến người nghe có khi buồn cười, có lần phật ý Thời gian đầu, mọi người còn lơ là mặc kệ, nhưng khi quen rồi, họ lại tìm cách “khích” cho Ngân “phát biểu”. Mỗi lần biết mình nói hớ, cô đều tìm cách biện minh, giải thích, bào chữa, nhưng càng cố xoay xở thì mớ bòng bong lại càng thêm rối Cùng lúc đó, mọi hành động ấy lại càng khiến những kẻ kia rũ rượi cười một cách thích thú, hả hê. Bằng cách này, cả công ty ai ai cũng biết biệt danh của cô là “Ngân hấp”, và cứ gặp cô, họ lại tủm tỉm ước đoán về một cô nàng “dở dở, ương ương”, “hơi có vấn đề về đầu óc”. Còn Châu lại có nỗi khổ riêng. Là nhân viên đã lâu năm, nhưng vốn bản tính hay lo lắng mà lại thiếu cẩn thận, cô luôn lúng túng như gà mắc tóc mỗi khi được giao một nhiệm vụ hay một đề án mới. Cho rằng có thể tìm những lời khuyên từ đồng nghiệp và các vị tiền bối đi trước ở công ty, Châu tìm đến nhờ vả và coi họ như là một chỗ dựa tin cậy.
Tuy nhiên, chẳng hiểu do không thích dây dưa phiền phức nên người ta ậm ừ chỉ trỏ cho qua chuyện, hay vì nhận thấy cô “Châu phốt” – chuyên gia dính phốt – cứ gặp chuyện là có cái để bàn tán, mua vui những giờ rảnh rỗi mà họ cố tình chọc ghẹo. Sau mỗi lần đó, bảng tin công ty lại một lần dán tên Châu cùng với đôi ba dòng khiển trách. Những lời dấm dứ dọa đuổi việc cứ dăm ba tháng lại được buông ra để tạo sức ép cho cô nhân viên cũ mà chưa rành việc ấy. Còn cứ mỗi lần như vậy, thiên hạ lại ngồi lại với nhau, dấm dúi, thậm thụt truyền miệng những “thành tích” mà họ có đôi phần dính líu của Châu rồi lại hỉ hả cười để xả stress. Công sở vốn là nơi chẳng mấy khác so với chiến trường – những nhân viên sống và làm việc dưới sự chỉ đạo của những quy định và luật lệ, nhưng giữa họ luôn có những “hiệp nghị ngầm” để phân định rạch ròi từng chiến tuyến. Có những nhân vật cấp cao, nổi tiếng, được nhiều người ưa thích, thì cũng có những người bị liệt vào dạng chỉ đáng được “làm hề mua vui cho thiên hạ”. Là nơi đề cao tính cộng đồng, công sở hình thành một thói quen bầy đàn cố hữu, khiến cho những cá thể nhỏ khó lòng tồn tại bình an, chứ đừng nói đến chuyện một giấc mơ hòa nhập.
Mặc dù vậy, điều đó không có nghĩa là những nạn nhân của chúng ta nên chấp nhận thỏa hiệp và cố gắng rèn luyện khả năng chịu đựng. Đừng chỉ mãi cúi gằm mặt vì những lần xấu hổ, mà hãy ngẩng cao đầu, tự nhìn nhận ưu điểm của bản thân, và chứng minh bản thân mình cho họ thấy. Đến lúc đó, chính bạn sẽ là người trả lại cho họ một nụ cười của người chiến thắng.
Theo Afamily