“Người bán hàng” thầm lặng

Giờ đây, khi bước vào siêu thị, người mua sắm tự chọn các sản phẩm trên quầy kệ rồi bỏ vòa giỏ hàng của mình. Bóng dáng của các nhân viên bán hàng chỉ thấy lấp ló ở quầy tính tiền hoặc đứng nhàn nhã bên các quầy kệ. Sự kỳ diệu đó là do hoạt động mang tên “trưng bày” tạo ra.
Trưng bày tại điểm bán là sử dụng các vật liệu trong cửa hàng hoặc các điểm bán lẻ để quảng bá cho sảnphẩm hoặc thương hiệu. Hoạt động này giúp củng cố quyết định của người mua theo hướng có lợi cho nhà bán lẻ và đóng vai trò rất lớn trong thành công chung của thương hiệu và nhà bán lẻ.

Hiệu quả hơn cả giảm giá
Nghiên cứu của Ogilvy Action trên 6.000 người tiêu dùng tại Mỹ được công bố vào tháng 11.2008 cho thấy, việc trưng bày bên trong cửa hàng có hiệu quả hơn cả giảm giá. Trong 29% người mua hàng một cách ngẫu nhiên, có đến 18% cho biết họ bị ảnh hưởng bởi sự trưng bày trong cửa hàng, 24% bị ảnh hưởng bởi việc trưng bày bên ngoài các dãy kệ trưng bày hàng hóa thông thường và chỉ 17% là bị ảnh hưởng bởi khuyến mãi, giảm giá. Trong 39% người mua hàng có ý định từ trước nhưng quyết định chọn thương hiệu tại cửa hiệu, có 31% bị ảnh hưởng bởi việc trưng bày trong cửa hàng, chỉ 28% bị ảnh hưởng bởi khuyến mãi và giảm giá và 27% bởi những hình thức khuyến mãi khác.
Trưng bày tại cửa hàng có ba dạng cơ bản: bên cạnh quầy thu tiền, trong các quầy kệ và trưng bày trên sàn. Dạng nào cũng phải đảm bảo hai yếu tố vừa lôi cuốn người mua vừa cung cấp đủ thông tin để đảm bảo việc mua hàng.

Từ cái nhìn đầu tiên
Ở bên trong siêu thị, một sản phẩm chỉ có vài giây để thu hút sự chú ý của người mua. Do đó, yếu tố quan trọng hàng đầu trong trưng bày là sản phẩm phải được nhìn thấy dễ dàng. Muốn vậy thì trước tiên phải chọn đúng vị trí. Cho dù bao bì có bắt mắt đi chăng nữa nhưng nếu để sai vị trí, sản phẩm cũng không có khả năng được nhìn thấy. Vị trí lý tưởng là ngang tầm mắt của người tiêu dùng, trong khoảng 15o – 30o theo hướng nhìn xuống hoặc kệ thứ ba tính từ dưới lên. Ngoại trừ sản phẩm của một thương hiệu thuộc dạng best selling, người mua hàng sẽ không tự nhiên tìm kiếm những sản phẩm ở tận trên đỉnh hoặc dưới đáy của một quầy hàng.
Nhưng giữa một rừng nhãn hiệu chen chúc nhau trong vị trí “đắc địa” ấy thì để có được cơ hội được nằm trong giỏ hàng, sản phẩm còn phải gây được ấn tượng với người mua. Kiểu dáng và màu sắc là hai yếu tố chủ đạo để đánh vào thị giác để lôi cuốn người tiêu dùng, trong đó các màu đậm như xanh, đỏ, vàng là những màu dễ được nhận thấy nhất.
Để tạo được hiệu quả trong việc tác động tới hành vi mua hàng, việc trưng bày còn phải phù hợp với hành vi mua sắm, tạo ra sự tượng tác cao độ giữa người mua với sản phẩm. Ví dụ như người tiêu dùng có khuynh hướng tìm kiếm thông tin trên bao bì sản phẩm nên phải làm nổi bật thông tin khi trưng bày để lôi cuốn người mua hàng. Hay người ta thường chú ý đến những hàng hóa chủ yếu nên có thể sử dụng bao bì như một tấm biển chỉ đường… Chọn vị trí cho phù hợp với ngành hàng cũng là một yếu tố. Ví dụ, sản phẩm ngành thực phẩm nên để cạnh ngành hàng nước giải khát, sản phẩm chăm sóc tóc để gần hàng mỹ phẩm hoặc chăm sóc cá nhân… vì người ta thường có khuynh hướng mua kèm những sản phẩm có liên quan dù không có ý định trước.
Nếu có thể “ngự trị” tại một vị trí đẹp trên sàn, doanh nghiệp cần phải xem xét những yếu tố sau khi thiết kế và trưng bày hàng hóa trên chiếc kệ riêng của mình: sự chắc chắn và kinh tế về chất liệu, giới hạn về kích cỡ và thời gian sản xuất hợp lý để đạt hiệu quả nhất về chi phí. Tạo ra những chủ đề hấp dẫn hay kể một câu chuyện là một trong những cách tạo ra hình dạng trưng bày bắt mắt và thu hút sự chú ý của người mua hàng. Luôn lưu ý là kệ trưng bày phải phù hợp với kênh bán lẻ và cũng như với từng địa điểm bán và thích hợp với sản phẩm, linh hoạt trong sử dụng và có thể trụ vững trên sàn.

Bắt đầu từ thói quen tiêu dùng
Thói quen của người tiêu dùng (đặc biệt là phụ nữ) là thường quyết định mua hàng mới tại điểm bán (dù trước đó không có nhu cầu). Vậy nên, việc đưa ra các quyết định trưng bày hàng hóa hợp lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng khi họ lựa chọn sản phẩm cần thiết.
Tại Việt Nam, người tiêu dùng thường lựa chọn sản phẩm theo trình tự: nhãn hàng, chủng loại, kích thước bao bì…, do vậy, các sản phẩm cần được trưng bày theo cách mà họ mong muốn.
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Ac-Neilson, năm 2008, người Việt Nam vẫn còn thói quen đi chợ mỗi ngày, và chỉ đi siêu thị bình quân 2 lần/tháng. Thời gian mua sắm phổ biến nhất là 8:00-9:00 sáng. 51% người được hỏi cho biết họ dành hơn 30 phút cho mỗi lần mua sắm, 39% người dành từ 30-60 phút và chỉ 9% người sẵn sàng mua sắm hơn 1 giờ.
Bên cạnh đó, việc tiện đường cũng là một yếu tố quan trọng cho người tiêu dùng. Đa số người tiêu dùng đi mua hàng một mình (82%). 59% người được hỏi mua hàng mỗi ngày… Những thông tin này khá quan trọng cho phòng trade marketing khi thiết kế các chương trình trưng bày hay khuyến mãi dành cho người tiêu dùng tại điểm bán.

Công cụ để xây dựng hình ảnh
Trưng bày là một trong những kênh quảng cáo quan trọng nhất, xác định vị trí của nhãn hiệu và cửa hàng trên thị trường, cũng như xác định đối tượng khách hàng mục tiêu và thể hiện tầm kiểm soát đối với công việc kinh doanh. Những cô mannequin trưng diện các mẫu mới nhất, trang bị rất nhiều phụ kiện bên cạnh hoa, lá… không chỉ để bán những thứ trên kệ mà còn đánh vào tâm trạng và trí tưởng tượng của người mua. Đó là sự tập hợp tất cả những yếu tố có ảnh hưởng đến thị giác và như thiết kế cửa hàng, trưng bày ngoài cửa sổ, trưng bày bên trong, vật dụng hỗ trợ việc trưng bày, cách sắp xếp hàng hóa… để tạo thêm 1 hình ảnh và các tính cho cửa hàng.

Theo Nhuongquyenvietnam