Đi phỏng vấn tại bất kỳ công ty nào, bạn cũng nên tìm hiểu qua về văn hóa công ty, từ cách ăn mặc, cách nói năng để khi đến buổi phỏng vấn, bạn biết cách chọn trang phục cho phù hợp.
Có thể, bạn không xa lạ gì với các những buổi phỏng vấn xin việc, nhưng đôi khi bạn vẫn mắc phải những lỗi nhỏ không đáng có. Bạn quá chủ quan về kiến thức của mình nên không chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi vào phỏng vấn, bạn nói dối về mức lương ở công ty cũ trước mặt nhà tuyển dụng… Những điều tưởng như đơn giản nhưng lại rất dễ khiến bạn mất điểm đối với nhà tuyển dụng.
Vì thế, hãy ghi nhớ những điều nên và không nên khi đi phỏng vấn để có được một công việc như ý:
Những điều nên tránh
– Không chuẩn bị trước
Càng tìm hiểu nhiều thông tin về công ty cũng như vị trí mà bạn ứng tuyển càng thể hiện bạn thực sự tôn trọng nhà tuyển dụng và có ý định nghiêm túc với công ty.
Nên nhớ rằng, nhà tuyển dụng đã gắn bó với công ty và đó là một phần trong cuộc sống của họ. Vì vậy, đừng biến mình thành một kẻ ngốc khi bước vào buổi phỏng vấn mà mù tịt về công ty. Dù có thể chưa có thời gian tìm hiểu được hết nhưng chí ít, bạn cũng nên nghiên cứu trước một chút để nhà tuyển dụng đỡ phật lòng.
– Hạ uy tín của người khác
Một người đã từng bị công ty cho nghỉ việc, dù là người bạn biết cũng đừng nên nói về người ta với những điểm không ra gì. Tất nhiên, có thể những gì bạn nói là có thật nhưng cách để hạ bệ người khác trong một cuộc phỏng vấn không phải là một hướng đi khôn ngoan. Bạn sẽ khiến nhà tuyển dụng có cảm giác bạn đang đâm sau lưng người khác một cách rẻ tiền và chắc chắn sẽ khó chịu với bạn.
Hơn nữa, cuộc phỏng vấn này chủ yếu là nói về bạn, xem bạn có phù hợp với vị trí công ty đang cần chứ không phải để phán xét người khác.
– Nói dối nhà tuyển dụng
Đây là điều cực kỳ không nên có trong buổi phỏng vấn, nghĩa là bạn không nói dối nhà tuyển dụng về bất cứ điều gì. Có những câu hỏi nếu khó trả lời quá, bạn có thể từ chối trao đổi chứ không nên bịa ra cho có chuyện. Đôi khi, nhà tuyển dụng cũng có những câu hỏi mang tính chất “thử” ứng viên mà thôi.
Và bí quyết vượt qua vòng phỏng vấn
– Đúng giờ
Nhà tuyển dụng luôn bận rộn với các kế hoạch nhân sự, vì thế, đừng làm mất thời gian quý giá của họ và bắt họ phải ngồi chờ để phỏng vấn bạn. Vì thế, khi có lịch hẹn phỏng vấn, bạn hãy có mặt đúng giờ bởi điều đó cũng thể hiện bạn là người biết quý trọng thời gian và tôn trọng người khác.
Nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ hài lòng với những ứng viên như bạn và cơ hội để bạn thể hiện mình trong buổi phỏng vấn cũng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
– Trang phục phù hợp
Đi phỏng vấn tại bất kỳ công ty nào, bạn cũng nên tìm hiểu qua về văn hóa công ty, từ cách ăn mặc, cách nói năng để khi đến buổi phỏng vấn, bạn biết cách chọn trang phục cho phù hợp.
Một công ty chuyên mặc đồng phục công sở nghiêm chỉnh suốt 6 ngày trong tuần thì bạn không nên cứ tự do diện quần ngố, áo phông hay váy vóc lòe xòe mà đến buổi phỏng vấn. Như thế sẽ tạo cảm giác bạn bị “lệch tông” ngay từ vòng đầu tiên và rất khó chiếm được cảm tình của nhà tuyển dụng. Còn với những công ty ăn mặc tự do, yêu thích sự sáng tạo thì bạn khỏi cần phải lo đến vấn đề trang phục.
– Chú ý đến cái bắt tay
Trong cuộc phỏng vấn, cái bắt tay là biểu hiện của phép giao tiếp lịch sự nhưng cũng là biểu hiện của sự tương tác mang tính cởi mở và hòa nhã. Vì thế, hãy chú ý đến cái bắt tay của nhà tuyển dụng, đừng vô ý đến mức họ đưa tay ra mà mình lại không hề biết hoặc bắt tay người phỏng vấn khi tay mình còn ướt nước hoặc có vết bẩn. Bạn cũng không nên giữ quá chặt hoặc quá lâu bàn tay của người phỏng vấn trong tay mình bởi lúc đó bạn có thể gây đau tay và khiến họ có cảm giác khó chịu. Trước khi vào phỏng vấn, nếu người phỏng vấn muốn tạo sự thoải mái, gần gũi, bao giờ họ cũng có hành động bắt tay ứng viên. Hãy biết nắm lấy cơ hội và đừng tạo cho người ta cảm giác hó chịu.
– Thể hiện một hình ảnh tích cực
Trong cuộc phỏng vấn xin việc, sẽ có nhiều hành động nhiều khi bạn không mấy để ý nhưng nhà tuyển dụng lại rút ra được nhiều đánh giá chủ quan về bạn. Từ cách phát âm, ngữ điệu, cách dùng từ và cả ngôn ngữ cơ thể… cũn cho nhà tuyển dụng cái nhìn bao quát về bạn.
Vì thế, hãy thể hiện mình một cách tích cực, chuyên nghiệp ngay tai buổi phỏng vấn. Trước hết, bạn nên nhìn thẳng vào người phỏng vấn, tạo cảm giác tin tưởng và trung thực. Sau đó, chọn một tư thế ngồi thoải mái nhưng rất lịch sự, có thể truyền đạt được những suy nghĩ của bạn một cách rõ ràng. Bạn có thể gọi tên của người phỏng vấn, nhưng phải trong chứng mực, chỉ một vài lần thôi, để chứng tỏ bạn đang nhập cuộc và lắng nghe chăm chú. Đó là cách tạo bước đệm cho cuộc phỏng vấn thành công.
– Cảm ơn hai lần
Kết thúc buổi phỏng vấn, đừng quên nói lời cảm ơn với nhà tuyển dụng với hai lý do. Thứ nhất là cảm ơn vì họ đã dành thời gian quý giá cho bạn, thứ hai là cảm ơn vì họ đã cho bạn cơ hội thể hiện bản thân. Bằng cách đó, bạn đã gửi một thông điệp đến nhà tuyển dụng rằng bạn hiểu rõ tầm quan trọng của công việc và thời gian mà họ bỏ ra.
Ngay tối hôm đó, bạn hãy gửi mail cảm ơn người phỏng vấn, đây là một giao tiếp thông thường trong thời đại công nghệ nên bạn nên gửi thư điện tử thay vì viết thư tay.
Theo Zing