Những nguyên tắc quản lý theo kiểu trao quyền

Làm thế nào để tạo ra một môi trường làm việc mà ở đó các nhân viên được trao quyền, làm việc hiệu quả hơn, đóng góp nhiều hơn cho doanh nghiệp và xem công việc là niềm vui?
Dưới đây là 10 nguyên tắc quan trọng nhất giúp các nhà lãnh đạo quản lý nhân viên theo kiểu tạo thêm quyền cho họ.
1. Đánh giá cao nhân viên. Việc sếp đánh giá nhân viên ra sao được thể hiện qua mọi hành động và lời nói của sếp. Biểu hiện của khuôn mặt và lời nói của sếp phản ảnh những điều mà sếp đang nghĩ về các nhân viên thuộc cấp.
Sếp phải chứng tỏ được sự đánh giá cao của mình đối với những giá trị riêng của mỗi cá nhân. Dù nhân viên đang làm việc với thành tích ra sao thì sếp phải luôn thể hiện được sự đánh giá tích cực của mình.
2. Chia sẻ tầm nhìn. Hãy làm cho nhân viên cảm thấy rằng vai trò của họ hoàn toàn có thể to lớn và quan trọng hơn. Hãy làm điều đó bằng cách tạo điều kiện cho nhân viên hiểu được sứ mệnh, tầm nhìn và các kế hoạch chiến lược của doanh nghiệp.
3. Chia sẻ mục tiêu và các đường lối. Hãy chia sẻ với nhân viên những mục tiêu quan trọng nhất của doanh nghiệp. Nếu có thể, hãy đặt ra những mục tiêu rõ ràng, có thể đo lường được và theo dõi được tiến độ thực hiện. Ngoài ra, sếp phải chia sẻ, động viên nhân viên, vẽ ra một bức tranh lạc quan về khả năng thực hiện các mục tiêu ấy.
4. Tin tưởng nhân viên. Sếp cần phải có niềm tin rằng các nhân viên làm đúng và có khả năng ra quyết định đúng. Sếp phải chấp nhận một thực tế là các nhân viên có thể ra những quyết định không giống với quyết định của mình, miễn là quyết định đó có tác dụng.
5. Cung cấp đủ thông tin để nhân viên ra quyết định. Sếp cần giúp cho các nhân viên có thể tiếp cận đủ các thông tin cần thiết để ra những quyết định có cân nhắc.
6. Giao quyền bên cạnh trách nhiệm. Không nên chỉ giao phó thêm công việc, trách nhiệm cho nhân viên mà không trao thêm cho họ quyền quyết định. Khi giao việc, sếp cũng nên cân nhắc giao phó một số công việc thú vị để tạo ra sự cân bằng cho nhân viên. Chẳng hạn, sếp có thể cử nhân viên tham gia các cuộc họp quan trọng về phát triển kinh doanh hay các dự án được nhiều người quan tâm.
7. Thường xuyên đưa ra phản hồi. Sếp phải thường xuyên đưa ra các phản hồi về kết quả làm việc của nhân viên. Đôi khi, mục đích của việc này là để công nhận và khen thưởng. Những phản hồi tích cực sẽ giúp nhân viên không ngừng phát triển các kỹ năng và kiến thức cần thiết.
8. Cùng nhân viên giải quyết vấn đề. Khi có một vấn đề phát sinh, trước tiên hãy tự hỏi liệu có điều gì không ổn trong hệ thống, trong quy trình làm việc hiện tại khiến nhân viên không hoàn thành nhiệm vụ của họ. Việc tìm ra những lỗi lầm của nhân viên và áp dụng các hình thức xử phạt chỉ là giải pháp cuối cùng.
9. Lắng nghe để học hỏi và đặt câu hỏi để đưa ra sự hướng dẫn. Hãy tạo ra một môi trường để nhân viên có thể giao tiếp hai chiều với sếp bằng cách lắng nghe nhân viên và đặt câu hỏi cho họ. Nhân viên thường sẽ biết cách tự tìm cho mình câu trả lời hay tự đưa ra các giải pháp. Khi nhân viên trình bày một vấn đề khó khăn, hãy hỏi họ nên giải quyết vấn đề này như thế nào hoặc có đề xuất gì. Có vậy nhân viên sẽ có cơ hội để thể hiện sự hiểu biết của mình và phát triển bản thân.
10. Công nhận và khen thưởng thỏa đáng. Khi nhân viên cảm thấy không được đền bù xứng đáng, không được đề bạt đúng tầm với trách nhiệm, không được quan tâm, không được khen ngợi, không được đánh giá cao thì đừng mong rằng việc trao quyền sẽ khiến họ làm việc với hiệu quả cao hơn. Các nhân viên chỉ có thể dành toàn tâm toàn sức cho công việc khi các nhu cầu cơ bản của họ đã được đáp ứng.

Theo Tuổi trẻ