Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Duy Khuyến- Tổng giám đốc Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao cho biết:
Nhờ có chiến lược xoay vòng vốn linh hoạt, xây dựng thương hiệu theo bí quyết “4P”, công ty đã vững vàng vượt qua khó khăn, trong bối cảnh tín dụng thắt chặt và lãi suất cao như hiện nay.
CôngThương – Công ty đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Xin ông cho biết kết quả cụ thể?
– 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp của công ty đạt khoảng 580 tỷ đồng, tăng trưởng gần 10%. Lợi nhuận đạt 228 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 108 tỷ đồng). Nộp ngân sách gần 113 tỷ đồng, tăng 120% so với cùng kỳ. Thu nhập bình quân của gần 3.000 cán bộ, công nhân viên đạt gần 7 triệu đồng/tháng.
Có được con số tăng trưởng ấn tượng này trước tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay trước hết phải nói đến sự năng động trong điều hành. Do luôn bám sát thị trường nên công ty đã chỉ đạo sản xuất các mặt hàng đáp ứng đúng nhu cầu của nông dân.
Đặc biệt, công ty đã tập trung chiến lược bón phân khép kín bằng NPK Lâm Thao để nâng cao hiệu quả. NPK Lâm Thao có 3 yếu tố đạm, lân, kali, ngoài ra còn bổ sung thêm các yếu tố trung vi lượng khác để tăng thêm hiệu quả.
Song song với đó, công ty hoàn chỉnh và tạo ra các dòng sản phẩm mới, đặc biệt là bổ sung vi lượng phân lân NPK cho phù hợp với chất đất, cây trồng, đất chua, đất phèn, các vùng đất ven biển, từ đó cải tạo đất, tăng thêm tính hiệu quả và cả độ bao phủ của NPK Lâm Thao đến các vùng trên cả nước.
Trước tình hình nguyên liệu đầu vào tăng giá chóng mặt như hiện nay, công ty đã tính toán kỹ lưỡng để nhập được nguyên liệu trong thời điểm giá rẻ. Từ đó sản xuất được phân bón giá thành thấp với lượng dự trữ an toàn. Chính vì thế, người nông dân luôn mua sản phẩm của công ty với giá hợp lý, khi giá lên công ty cũng vẫn có lãi. Nhờ tính toán hợp lý mà công ty đảm bảo có lợi nhuận khi các nguyên liệu đầu vào tăng liên tục từ đầu năm đến nay và vẫn làm tốt công tác bình ổn giá phân bón.
Trước bối cảnh lãi suất ngân hàng quá cao, nhiều DN không thể chống chọi để trụ vững. Supe Lâm Thao có bị ảnh hưởng nhiều bởi biến động này không, thưa ông?
Chúng tôi xác định, đã vào cuộc là phải chấp nhận cơ chế thị trường. Nhờ chính sách điều hành linh hoạt, Supe Lâm Thao không bị ảnh hưởng bởi những biến động từ lãi suất ngân hàng tăng cao. Công ty đã tìm mọi cách để quay vòng vốn nhanh, từ đó giảm vay ngân hàng.
Tôi ví dụ, trước đây, công ty vay ngân hàng khoảng hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm thì hiện tại rút xuống một nửa, chỉ vay khoảng 500 tỷ đồng. Riêng yếu tố này đã giảm gánh nặng lãi suất cho công ty.
Bên cạnh đó, yếu tố hài hòa giữa sản xuất và tiêu thụ được đảm bảo hợp lý. Hàng sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó, tránh lượng tồn kho lớn dẫn tới ứ đọng vốn, giúp quay vòng vốn nhanh. Đây là một bài toán cần nhanh nhạy, linh hoạt. Đây cũng là đường lối đúng đắn mà công ty đã duy trì và thấy rõ hiệu quả, giúp giảm chi phí tài chính và lợi nhuận vẫn tăng cao.
Bên cạnh đó, chúng tôi tăng cường kiểm soát các chi phí, đặc biệt là khâu tiêu hao nguyên vật liệu trong sản xuất. Mở rộng các chương trình phát động để khuyến khích công nhân áp dụng sáng kiến cải tiến, giúp tiết kiệm nguyên liệu, giảm chi phí sản xuất. Thời gian qua, nhiều sáng kiến cải tiến đã được áp dụng vào sản xuất, giúp công ty tiết kiệm hàng chục tỷ đồng.
Con số lợi nhuận đạt 228 tỷ đồng 6 tháng đầu năm, hơn gấp đôi so với cùng kỳ. Theo ông, đâu là bí quyết thành công của Supe Lâm Thao?
Kim chỉ nam cho thành công của thương hiệu Supe Lâm Thao là áp dụng chiến lược marketting 4P. Chữ P thứ nhất là sản phẩm (Product). Sản phẩm phải phù hợp với thị trường. Nếu lạc hậu về sản phẩm thì coi như cầm chắc thất bại. Cụ thể với Supe Lâm Thao, công ty đã nghiên cứu và cho ra các sản phẩm phù hợp với nông hóa, thổ nhưỡng của Việt Nam. Thực tế, một số đơn vị làm phân lân NPK hàm lượng cao nhưng chỉ đơn thuần có 3 yếu tố kết hợp như đạm (N), lân (P), kali (K) mà thiếu yếu tố trung vi lượng. Với Supe Lâm Thao, các sản phẩm đều được phát triển trên cơ sở định luật khoa học, bổ sung đủ các yếu tố trung vi lượng nên sẽ đạt hiệu quả bón phân cao nhất.
Chữ P thứ hai giá cả (Price). Doanh nghiệp phải nhanh nhạy với thị trường, mua được nguyên liệu vào lúc giá rẻ, tiếp đó phải quay vòng sản xuất kết hợp với sáng kiến, cải tiến để giảm chi phí sản xuất. Toàn bộ yếu tố đó sẽ góp phần hạ giá thành sản xuất. Theo quy luật cung- cầu, giá của đơn vị nào thấp đương nhiên sẽ chiếm lĩnh thị phần, ngược lại giá cao nguồn cầu sẽ giảm đi. Như vậy, mấu chốt ở đây là giải bài toán sao cho điểm cung và cầu gặp nhau. Nhiều năm qua, công ty đã có chính sách điều hành giá rất hài hòa, đảm bảo chính sách bình ổn giá phân bón, không gây thiệt hại cho nông dân. Mặt khác kinh doanh vẫn có lãi, sản xuất tăng trưởng .
Chữ P thứ ba là địa điểm, hệ thống phân phối (Place). Hiện Supe Lâm Thao đã xây dựng được hệ thống phân phối với hơn 100 đại lý cấp I cùng hàng ngàn điểm bán lẻ bao phủ khắp cả nước. Hệ thống vững chắc này giúp sản phẩm Supe Lâm Thao “len lỏi” được cả tới các vùng sâu, vùng xa để đáp ứng cho nhu cầu của nông dân. Với sản lượng 1,2 triệu tấn/năm, Supe Lâm Thao là nhà sản xuất và cung cấp phân bón đứng đầu cả nước về số lượng. Nếu không có kênh phân phối chuyên nghiệp cùng nỗ lực của các nhà phân phối, sản phẩm của Supe không thể vươn xa như ngày hôm nay.
Chữ P cuối cùng là công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm (Promotion). 50 năm xây dựng và trưởng thành, với nỗ lực không ngừng, thương hiệu ba nhành lá cọ xanh đã ăn sâu vào tâm trí người tiêu dùng, trở thành người bạn quen thuộc của bà con nông dân trên cả nước. Bên cạnh kênh thông tin tuyên truyền như báo chí, truyền hình, Supe Lâm Thao còn triển khai truyền thông trực tiếp tới người nông dân.
Công ty đã tổ chức hàng nghìn hội nghị trên cả nước về mô hình bón phân cho nông dân, để họ tận mắt thấy hiệu quả của sản phẩm. Supe Lâm Thao đã xây dựng được một chiến lược quảng bá sản phẩm dựa trên các cơ sở khoa học, nâng cao kiến thức cho nông dân về kỹ thuật bón phân, từ đó giúp họ biết cách lựa chọn và sử dụng phân bón một cách khoa học nhất.
Xin cảm ơn ông!
Theo Nguyễn Duyên