Sự xuất hiện của nhiều tên tuổi lớn trong mô hình bán lẻ chuyên biệt đang báo hiệu xu hướng mới trong lĩnh vực bán lẻ ở Việt Nam.
Mới đây nhất là sự tham gia của Tập đoàn FPT khi mở rộng quy mô trong lĩnh vực bán lẻ sản phẩm kỹ thuật số với quyết định góp 85 tỷ đồng thành lập Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT Retail. Dự kiến đến năm 2014, FPT sẽ xây dựng chuỗi 150 cửa hàng bán lẻ, với tổng vốn đầu tư 250 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, với 18 cửa hàng bán lẻ đang hoạt động trên toàn quốc của FPT, doanh thu của chuỗi này chỉ đạt gần 2% doanh thu toàn tập đoàn trong năm 2011. Cuộc chơi mới không phải dễ dàng dù với cả tên tuổi lớn như FPT.
Ông Trương Đình Anh, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT thừa nhận: “Việc đầu tư vào chuỗi bán lẻ là một hướng phát triển không dễ. Trong những năm qua, mặc dù FPT đã có nhiều cố gắng để phát triển chuỗi bán lẻ, nhưng chưa đạt được thành công như kỳ vọng”. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng tự tin vì FPT đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này và đó là tiền đề cho việc tập đoàn quyết định đầu tư mở rộng chuỗi bán lẻ.
Trước FPT, cùng với bán lẻ tổng hợp, bán lẻ tiện lợi, bán lẻ chuyên biệt đang phát triển tại Việt Nam với tốc độ chóng mặt đã thu hút nhiều gương mặt lớn trong các ngành, lĩnh vực như Thế giới di động, Viễn thông A; Trần Anh, Nguyễn Kim, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ)… Thậm chí, thời điểm khủng hoảng năm 2008 không cản bước để SJC và PNJ đã lọt vào “Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á – Thái Bình Dương”, với doanh số của SJC là 4.500 tỷ đồng, PNJ 3.915 tỷ đồng.
Đây là lý do mà nhiều chuyên gia phân tích thị trường cho rằng, thời của bán lẻ chuyên biệt tại Việt Nam đã tới. Tuy nhiên, vùng đất tiềm năng này có lẽ không chia đều cơ hội cho tất các ngành, các doanh nghiệp.
Trên thực tế, ở Mỹ, Đức, Pháp, Nhật Bản, các siêu thị chuyên biệt như siêu thị vật liệu xây dựng diện tích từ 10.000 đến 14.000 m2, siêu thị thuốc, cây xanh, đồ gỗ, điện tử, xi măng, sơn, giấy dán tường, đồ thực phẩm tươi sống, thực phẩm dành riêng cho người già… đã hình thành từ khá lâu. Sự phát triển của mô hình này dựa trên yêu cầu ngày càng cao và kỹ càng của người dân. Chẳng hạn, siêu thị tổng hợp có tỷ lệ mã hàng/sản phẩm là 1:3, trong tỷ lệ này khi siêu thị chuyên biệt là 1:10, với nhiều nhà cung cấp khác nhau.
Tuy vậy, yêu cầu của mô hình này khá cao, đó là khả năng tài chính đủ mạnh, có chiến lược khai thác thị trường dài hạn và chuyên nghiệp để khai thác thị trường hẹp. Hơn thế, mô hình bán lẻ chuyên biệt có tính rủi ro cao vì phụ thuộc vào một hoặc một vài mặt hàng chuyên biệt. Vì vậy, khi thị trường có biến động, sức mua mặt hàng đó giảm sút có thể kéo theo sự sụt giảm doanh thu của toàn hệ thống. Đó là điều bất cứ ai muốn gia nhập lĩnh vực này đều phải tính toán, có phương án đối phó khi quyết định tham gia sân chơi bán lẻ chuyên biệt. Câu hỏi mà các chuyên gia khuyên các doanh nghiệp cân nhắc kỹ là lĩnh vực đó có đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của phân khúc mục tiêu hay không? Đúng thời điểm chưa? Hay phân khúc đó có đủ lớn và tăng trưởng để nuôi dưỡng mô hình không?
Tại Việt Nam, có vẻ như lĩnh vực bán lẻ các sản phẩm công nghệ đang dẫn đầu song mức độ cạnh tranh đang cực kỳ khốc liệt, nhất là trong giai đoạn kinh tế suy thoái, đòi hỏi các bước đi… chuyên biệt. Ông Đinh Anh Huân, Giám đốc kinh doanh của thegioididong.com, cho biết: “Thay vì có những chương trình khuyến mại kéo dài, tốn nhiều chi phí, chúng tôi thường có chương trình khuyến mại ngắn ngày, tập trung vào chủ yếu vào các thị trường trung tâm như Hà Nội, TP.HCM, tận dụng sự hỗ trợ từ các hãng sản xuất để thu hút khách hàng”.
Ngoài ra, việc tư vấn chuyên môn tốt nhiệt tình, hiểu tâm lý khách hàng, hệ thống quản trị và kho vận chặt chẽ và đủ độ linh hoạt để ứng xử kịp với thị trường sẽ mang lại điểm cộng cho các hệ thống này.
Theo Marketingchienluoc