“Lý do nào khiến bạn quyết định nhảy việc?” là một trong những câu hỏi tưởng chừng rất dễ trả lời, nhưng hãy coi chừng, nó là một trong những “quái chiêu” để đánh giá ứng viên. Cần hết sức thận trọng và tránh đề cập đến những nguyên nhân nhạy cảm sau.
1. Lương “quá bèo”
Bất kể bạn dùng phương thức nào để nói về thu nhập của mình, cũng đừng nên trả lời một cách quá “đơn thuần” rằng chỉ vì lý do lương thấp, không đủ sống. Câu trả lời này đôi khi lại được nhà tuyển dụng đánh giá thấp. Bởi nó thường kèm theo: “Nếu có công việc lương cao hơn, tôi sẽ chẳng do dự mà nhảy việc”. Nhà tuyển dụng không mong muốn tuyển dụng những nhân viên chỉ biết đến bản thân mình, tự cao tự đại, không có tinh thần trách nhiệm với công việc.
2. Quan hệ nơi làm cũ quá phức tạp
Hiện nay, tinh thần “teamwork” là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu của nhiều doanh nghiệp, bởi có đoàn kết mới có thể tạo sức mạnh để chiếm lĩnh thành công. Tỏ ra né tránh, thích “đơn thương độc mã” hoặc lo lắng khi phải giao lưu với đồng nghiệp vì lý do những mối quan hệ này quá phức tạp chỉ là những biểu hiện kém cỏi về năng lực xã giao, khả năng điều hòa các mối quan hệ của bạn mà thôi. Theo lẽ thường, bạn sẽ mất điểm trước những nhà tuyển dụng khó tính.
3. Phân công không hợp lý
Thường xuyên phải làm những “việc vặt” không đúng với chuyên môn của mình hoặc thấy bất mãn với việc công ty “bảo mật” mức lương của từng nhân viên…là nguyên nhân khiến bạn nhảy việc thì quả thật không đáng.
Những công việc vặt được giao không chỉ đơn thuần là cấp trên muốn “rảnh tay” trút lên đầu ai đó, mà chỉ là do bạn chưa thực sự được tin tưởng để giao phó những công việc quan trọng hơn. Đề cập đến nguyên nhân này chỉ hạ thấp giá trị bản thân bạn mà thôi.
Một số doanh nghiệp “bảo mật” mức lương của từng nhân viên nhằm tránh sự ghanh tỵ hoặc gây mâu thuẫn nội bộ. Nếu chỉ vì điều này mà bạn “bất mãn” thì càng chứng tỏ bạn không hề tự tin vào chính năng lực cũng như khả năng cạnh tranh của mình. Tất nhiên, nhà tuyển dụng sẽ loại bạn khỏi danh sách những ứng viên trúng tuyển.
4. Cấp trên có nhiều “tật”
Những người “lắm tài thường nhiều tật”, cấp trên của bạn cũng không ngoại lệ. Lý do không thể làm việc dưới quyền của những con người chỉ là cái cớ che đậy khả năng thích ứng yếu kém, những kỹ năng ứng xử nghèo nàn của bạn mà thôi.
Ngoài ra, nói xấu sếp cũ là điều tối kỵ khi đi phỏng vấn. Vì nhà tuyển dụng cho rằng, biết đâu ngày nào đó, người bị bạn nói xấu không ai khác mà chính là họ?.
5. Áp lực công việc quá lớn
Lối sống công nghiệp hiện đại đòi hỏi bạn lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng làm việc. Công việc càng áp lực càng đỏi hỏi những người có năng lực chân chính và tình yêu nghề sâu sắc. Nếu tự khẳng định mình kém năng lực thích ứng vì áp lực công việc quá lớn chẳng khác nào bạn tự viết “giấy khai tử” cho chính lá đơn xin việc của bạn.
Theo Dân Trí/ Xinli