Trước đây, một siêu thị điện máy, điện lạnh với diện tích 2.000 m2 mỗi ngày thu vào hơn 2 tỉ đồng thì nay ngồi đếm từng giờ để mong doanh số đạt 600 triệu đồng/ ngày nếu không sẽ thua lỗ lớn.
Đáng lo ngại hơn, tại nhiều DN nguy cơ bị loại khỏi thị trường đang hiển hiện ngay trước mắt do “tham vọng” chia lại thị phần của các ông lớn.
Cạnh tranh quyết liệt
Suốt từ đầu năm 2011 đến nay, con số DN điện máy, điện lạnh “ra đi vĩnh viễn” không ngừng tăng. Những DN còn bám trụ đến lúc này cũng đã dùng đến chút sức lực cuối cùng để chống chọi với khó khăn và sự cạnh tranh quyết liệt của đối thủ.
Nhưng đến thời điểm này sự tồn tại của những DN nói trên lại đang như “ngọn đèn trước gió” do áp lực cạnh tranh gay gắt đến từ các DN lớn.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc các DN này đang không ngừng mở mới hàng loạt siêu thị điện máy hoành tráng nhằm đạt hai mục đích. Thứ nhất là giành lại thị phần mà các DN đã phá sản bỏ lại. Thứ hai tiêu diệt nốt những đối thủ vẫn đang bám trụ trên thị trường để phân chia lại thị phần với nhau.
Đầu tháng 8/2012, Trần Anh mở một siêu thị tại Đại Cồ Việt và chuẩn bị mở ở Tôn Đức Thắng, Đại Mỗ, Thanh Xuân và Giải Phóng. Còn Pico, Nguyễn Kim cũng rục rịch mở thêm một số siêu thị ở Hà Nội, Hải Phòng và TP HCM… Sự dồn dập và quyết liệt này của những con cá lớn như vậy đang khiến cho cơ hội sống sót của những con cá bé trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
Phương án mạo hiểm
Và để tồn tại được, một số DN đang tính đến phương án tìm kiếm và mở rộng thêm các mặt hàng khác để phân phối nhằm cải thiện tình hình kinh doanh và bám trụ thị trường. Nhưng có ý kiến cho rằng đây là một phương án mạo hiểm vì từ kinh doanh điện máy, điện lạnh chuyển sang phân phối lĩnh vực khác là không dễ.
Thậm chí có thể đưa DN đến bờ vực nhanh hơn. Chính vì vậy trong chương trình Chìa Khóa Thành Công – CEO số 36 với chủ đề “Bài toán marketing – Lựa chọn sản phẩm thời khủng hoảng”, phát sóng lúc 10h sáng trên VTV1, ngày 14/9/2012 vấn đề này đã được các CEO thảo luận rất sôi nổi.
Theo CEO trong chương trình, vấn đề quan trọng trước mắt là phải tập trung giải quyết hàng tồn kho và cắt giảm chi phí cho Cty. Để giải phóng tồn kho thì cần phải tăng cường dịch vụ hậu mãi, giảm giá, không ngừng tìm kiếm khách hàng mới, thậm chí liên kết với các chủ dự án BĐS.
Ngoài ra sẽ tổ chức thí điểm tại 2 cửa hàng để cho một số đối tác cùng ngành vào phân phối. Đối với việc cắt giảm chi phí, Cty sẽ đàm phán với các đơn vị cho thuê mặt bằng để đề nghị giảm giá. Đồng thời tinh giản nhân sự hoặc luân chuyên vị trí, tăng làm ca. Về dài hạn sẽ tìm hiểu, đánh giá lại nhu cầu và thị hiếu của khách hàng.
Trước những giải pháp này, HĐQT cho rằng, trước hết cần phải Quản trị tồn kho tốt hơn, phải có bản thống kê chi tiết về lượng hàng tồn kho và linh hoạt trong việc xuất – nhập. Bên cạnh đó, cần đàm phán với các nhà cung ứng để có chính sách chiết khấu phù hợp. Quan trọng hơn nữa là tăng cường các dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Còn đối với việc phân phối ngành hàng khác thì cần nghiên cứu cụ thể hơn. Vì thí điểm tại 1 – 2 cửa hàng cho ngành khác phân phối thì không hiệu quả. Bên cạnh đó, Cty cũng cần phải có sự nghiên cứu thị trường và phân tích khách hàng cụ thể hơn, phân tích điểm mạnh, điểm yếu của Cty để tìm ra những lợi thế khác biệt với các đối thủ. Có như vậy mới có thể cạnh tranh và không bị những đối thủ lớn loại ra khỏi thị trường.
Theo N.Hằng