Ghi điểm với nhà tuyển dụng trong 10 phút đầu tiên

Bạn hẳn đã từng nghe nói rằng ấn tượng ban đầu có thể lưu lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người đối diện. Vì vậy khi bạn được gọi phỏng vấn, bạn nên chuẩn bị làm sao để tạo ấn tượng tốt đẹp với nhà tuyển dụng ngay từ giây phút đầu tiên ấy. Hãy biến 10 phút đầu tiên của buổi phỏng vấn thành “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm hồ dễ mấy ai quên” bạn nhé!

Kết quả của một khảo sát mới đây được thực hiện với 150 chuyên gia tuyển dụng cấp cao cho thấy, nhà tuyển dụng có thể xác định được ứng viên tiềm năng chỉ sau cái bắt tay và ít phút nói chuyện. Câu hỏi được đặt ra cho những người tham gia khảo sát là “Trong buổi phỏng vấn đầu tiên, ông/bà mất bao lâu để xác định được ứng viên tiềm năng?”; và đa số đều trả lời là 10 phút. Mặc dù trên thực tế họ cần 55 phút để phỏng vấn một ứng viên ứng tuyển vào vị trí nhân viên, và 86 phút để phỏng vấn ứng viên nộp đơn vào vị trí quản lý.
Sau cuộc khảo sát, những người thực hiện đúc kết như sau “Buổi phỏng vấn bắt đầu ngay từ lúc ứng viên mới đến nơi phỏng vấn. Vì vậy, các ứng viên cần lên kế hoạch trước để thể hiện sự nhiệt tình và tự tin của mình đến nhà tuyển dụng ngay từ lúc ban đầu. Những giây phút đầu tiên của buổi phỏng vấn sẽ là nhân tố quyết định cho thời gian còn lại của cuộc phỏng vấn. Hãy làm cho giây phút này trở nên thật đặc biệt, đó cũng là cách giúp bạn “lên giây cót” cho toàn bộ quá trình phỏng vấn, đặc biệt là để trả lời tốt những câu hỏi tiếp theo từ nhà tuyển dụng.”
“Vậy trước khi đi dự phỏng vấn, tôi nên làm gì để ghi dấu ấn thật đậm trong lòng nhà tuyển dụng?” Bình tĩnh bạn nhé! Những bí quyết sau có thể giúp bạn đạt được sự quý mến từ nhà tuyển dụng trong 10 phút đầu tiên:
Nắm vững 4 câu hỏi quan trọng nhất
Bạn hãy lắng nghe thật kỹ bốn câu hỏi quan trọng nhất mà nhà tuyển dụng muốn nghe câu trả lời từ phía ứng viên:
1. “Tại sao bạn ở đây?” –> câu hỏi này còn có nghĩa là “Bạn biết gì về công ty chúng tôi?” hoặc “Tại sao bạn đến đây hôm nay?”
2. “Bạn có thể làm gì cho công ty chúng tôi?” –> câu hỏi này có thể hiểu là “Hãy cho tôi biết về bạn.” hay “Tại sao bạn đổi việc?” hoặc “Thành tựu quan trọng nhất mà bạn đã đạt được tính đến nay là gì?”
3. “Bạn dễ dàng thích nghi với sự thay đổi chứ?” –> câu hỏi này cũng có nghĩa là “Bạn có thể hòa nhập với văn hóa công ty chúng tôi nhanh chóng không?”
4. “Đâu là điểm khác biệt giữa bạn và những ứng viên khác ?” –> câu hỏi này còn ngầm ý là “Tại sao chúng tôi nên tuyển bạn?”
Hãy trả lời 4 câu hỏi trên bằng chính những câu chuyện và trải nghiệm thật của bạn. Trong đó, bạn nên thêm vào những câu chuyện ngắn mô tả những thời điểm đặc biệt trong quá khứ của bạn như: bạn đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng nhất của đời mình như thế nào, bạn lãnh đạo đội nhóm của mình ra sao, bạn đã giải quyết công việc mà hạn chót đã cận kề hoặc vực dậy một dự án đã thất bại như thế nào…
Hiểu rõ về công ty bạn ứng tuyển
Hãy luôn nghiên cứu về công ty bạn ứng tuyển trước khi bạn đi dự phỏng vấn. Nên biết rõ nhà tuyển dụng là ai, những thử thách mà họ đang đối mặt và tình hình hiện tại của họ…
Có thể bạn đang thắc mắc tại sao phải làm như vậy? Bởi vì những phút đầu tiên là thời điểm thuận lợi để chứng tỏ bạn hiểu về nhà tuyển dụng của mình như thế nào.
Bạn còn nhớ một trong bốn câu hỏi quan trọng đã đề cập ở trên không, “Tại sao bạn ở đây?” Đây là lúc bạn “phô bày” những kiến thức và thông tin bạn đã nghiên cứu về công ty. Hãy cho họ biết bạn đã nghiên cứu kỹ về họ như thế nào, không những bạn biết khối điều về công ty, mà bạn còn có thể nêu ra vài lý do tại sao bạn rất muốn làm việc cho họ. Hãy để sự nhiệt tình này thể hiện qua thái độ và lời nói của bạn một cách tự nhiên như bạn đang đi qua cánh cửa vào nhà mình vậy.
Hiểu đúng vai trò của mình
Ấn tượng ban đầu rất có giá trị, đặc biệt là trong phỏng vấn việc làm. Bạn chính thức “bước lên sân khấu” ngay từ lúc bạn bước vào căn phòng phỏng vấn. Vì vậy, hãy hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình bằng việc đầu tiên là thể hiện rõ nét tính cách của mình đến “khán giả”. Hãy nhớ, vai trò lúc này của bạn là người giải quyết vấn đề, tức là trả lời những câu hỏi của nhà tyển dụng; chứ không phải là người tìm việc.
Trong vai trò là một người giải quyết vấn đề, bạn phải biết tại sao hôm nay bạn đến đây, tại sao bạn thích làm việc cho công ty, và bạn có thể làm gì để công ty phát triển vững mạnh trong tương lai.
Với ba bí quyết này bạn hầu như có thể vượt qua những câu hỏi “mở màn” của nhà tuyển dụng và ghi điểm cho mình. Việc này cũng có nghĩa là bạn đã chứng minh được bạn là người hiểu biết và thật sự quan tâm đến vị trí họ đang đăng tuyển.

Theo Vietnamworks