Trong khi các tập đoàn tài chính toàn cầu đang lo giải quyết hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính thì các ngân hàng tại Đông Nam Á lại lao vào những thương vụ thâu tóm.
Trong khu vực với tổng giá trị xấp xỉ 8 tỉ USD
DBS Group Holding của Singapore, chẳng hạn, vừa cho biết sẽ trả tới 9,1 tỉ đô là Singapore (tương đương 7,3 tỉ USD) để mua lại PT Bank Danamon, ngân hàng lớn thứ năm của Indonesia. Đây là thương vụ lớn nhất từ trước đến nay tại quốc gia này. Đầu tháng 5.2012, CIMB Group Holdings (Malaysia) cũng đã ký thỏa thuận mua lại 60% cổ phần tại Ngân hàng Thương mại Philippines với giá 288,6 triệu USD. Đây là thương vụ mới nhất trong cuộc đua mua bán sáp nhập (M&A) giữa các ngân hàng Đông Nam Á nhằm đón đầu làn sóng tăng trưởng tại khu vực này.
Tại sao là Đông Nam Á?
Các ngân hàng khó có thể cưỡng lại sức hấp dẫn từ một thị trường có dân số hơn 600 triệu người với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tổng cộng lên tới khoảng 2.000 tỉ USD, lớn hơn cả Ấn Độ. Nhất là khi thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang hạ thấp dần các rào cản thương mại, đầu tư và lao động để tiến tới thành lập cộng đồng kinh tế chung ASEAN vào năm 2015.
“Không có nhiều doanh nghiệp chuẩn bị cho một cộng đồng kinh tế thống nhất vì họ đang thắc mắc không biết liệu điều đó có thực sự xảy ra. Nhưng chúng tôi thì rất tin vào điều đó”, Nazir Razak, Tổng Giám đốc CIMB cho biết.
Thực vậy, các ngân hàng đang xem việc tạo ra một khu vực kinh tế Đông Nam Á thống nhất là cơ hội lớn có thể đem đến tốc độ tăng trưởng cao cho họ. “Thương mại giữa các nước trong khu vực đang là đề tài nóng hiện nay. Tại các thị trường mới nổi Đông Nam Á, khoản cho vay cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đang là một miếng bánh đặc biệt có sức hấp dẫn đối với các ngân hàng”, Anand Pathmakanthan, chuyên gia phân tích tại Nomura Equity Research ở Singapore, nhận xét.
Tuy nhiên, các thành viên ASEAN vẫn còn một chặng đường dài để đi đến đích là thành lập một thị trường chung. Bởi lẽ, sự khác biệt giữa các quốc gia trong khối về cả kinh tế lẫn xã hội còn quá nhiều. GDP bình quân đầu người của Singapore là hơn 40.000 USD/năm. Trong khi đó, tại Indonesia chỉ khoảng 3.000 USD/năm. Lào, Campuchia và một số nước khác cũng có mức GDP bình quân đầu người thấp. Hơn nữa, vẫn còn đó không ít rào cản lớn đối với hoạt động thương mại và đầu tư. Các nhà chính trị và cơ quan quản lý nhà nước tại Indonesia, chẳng hạn, tuyên bố sẽ săm soi kỹ hơn thương vụ thâu tóm PT Bank Danamon của DBS. Ngân hàng Trung ương Indonesia thậm chí còn cân nhắc việc đưa ra mức trần trong tỉ lệ nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong ngân hàng nhằm ngăn cản thương vụ xảy ra.
Thế nhưng, cũng không thể chối bỏ nhu cầu hội nhập kinh tế của thị trường. Có thể thấy, mối dây liên kết giữa các quốc gia châu Á với các thành viên thuộc khối ASEAN đang càng thắt chặt hơn. Điều này có thể thấy rõ qua hoạt động thương mại và đầu tư trong khu vực châu Á đang ngày càng nhộn nhịp hơn. “Lực hút kinh tế đang dời về khu vực Đông Á và ASEAN là thị trường quan trọng trong khu vực này”, Iwan Azis, người đứng đầu Văn phòng Hội nhập Kinh tế Khu vực thuộc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), nhận xét. Ông nhấn mạnh: ”Hội nhập trong khu vực châu Á đang diễn ra mà không hề có chất xúc tác nào từ chính sách hoặc chương trình xúc tiến. Sự hội nhập này là do nhu cầu của thị trường”.
Vạch lối đi riêng
Cuộc đua M&A sẽ đặc biệt diễn ra mạnh mẽ tại các thị trường có quá nhiều ngân hàng nhỏ, trong đó có Indonesia và Thái Lan. Nhiều trong số các ngân hàng nhỏ có hiệu quả hoạt động không cao và dễ rơi vào nợ nần khi nền kinh tế gặp khó. Chẳng hạn, Indonesia hiện có hơn 120 ngân hàng và theo giới phân tích, con số thích hợp có thể là ít hơn 80.
“M&A sẽ mang đến cho khu vực nhiều ngân hàng lớn hơn có năng lực vốn cao hơn và liên kết với nhau chặt chẽ hơn”, Fauzi Ichsan, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Standard Chartered ở Jakarta, nhận xét. Theo ông, người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ điều này vì qua hệ thống ngân hàng được liên kết chặt chẽ, họ sẽ được vay với chi phí thấp hơn.
Trong cuộc đua này, mỗi ngân hàng lớn đều có chiến lược M&A riêng. CIMB muốn hiện diện tại hầu hết các thị trường ASEAN với mục tiêu trở thành ngân hàng đầu tư được ưa chuộng tại khu vực. Trong khi đó, DBS và United Overseas Bank của Singapore chủ yếu nhắm đến các thị trường tăng trưởng cao của ASEAN là Indonesia và Malaysia. “Việc mua lại Danamon sẽ củng cố vị trí của DSB như là một ngân hàng châu Á hàng đầu, giúp cân đối lại và đa dạng hóa địa bàn hoạt động, đồng thời tăng cường sự hiện diện của chúng tôi tại các thị trường có tốc độ tăng trưởng cao”, Tổng Giám đốc Piyush Gupta của BDS, cho biết.
Còn các ngân hàng hàng đầu của Indonesia thì chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa đang tăng trưởng nhanh và hy vọng tiếp cận được hàng triệu người Indonesia làm việc tại các nước Đông Nam Á thông qua mạng lưới rộng lớn các chi nhánh và máy ATM của họ. Trong số các nước ASEAN, Indonesia được xem là thị trường mang lại cơ hội lớn nhất vì tỷ lệ cho vay khu vực tư nhận/GDP vẫn dưới mức 30%, thấp hơn nhiều so với khối lượng cho vay tại các thị trường đang bão hòa là Singapore và Malaysia, những nơi tỉ lệ này lên tới hơn 100%.
Theo Đàm Hoa