Viễn thông chiếm gần 1/3 tổng đầu tư hàng năm của châu Phi, trở thành miếng bánh béo bở nhất mà giới đầu tư quốc tế đang nhắm tới. Đây cũng là lĩnh vực công nghệ cao hiếm hoi mà Việt Nam có khả năng cạnh tranh với thế giới tại châu Phi.
Cơn sốt tăng trưởng
Châu Phi sau nhiều thập kỷ gần như không tăng trưởng nhưng bắt đầu trỗi dậy mạnh mẽ vào cuối những thập kỷ 1990. Dự báo kinh tế của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố tháng 5/2012, đánh giá châu Phi “có nền tảng tăng trưởng vững chắc” với mức trên 5% trong năm nay.
Châu Phi dần khẳng định vai trò trong nền kinh tế toàn cầu và phát triển hạ tầng là lĩnh vực béo bở, thu hút các đại gia quốc tế. Những lĩnh vực được IMF đánh giá “màu mỡ” là: Viễn thông, ngân hàng, bán lẻ, xây dựng, dầu khí – tất cả đang bùng nổ và thu hút đầu tư nước ngoài chủ lực.
Báo cáo của Tập đoàn Tư vấn kinh doanh Ernst & Young cho thấy, châu Phi thu hút được lượng FDI trong năm 2011 “lớn nhất từ trước tới nay”. Thu hút FDI vào châu Phi tăng trung bình 20% trong thời gian từ năm 2007 – 2011.
Hạ tầng được coi là chìa khóa tăng trưởng của châu Phi yếu kém. Dự tính mỗi năm châu Phi đầu tư 72 tỷ USD từ khu vực công và tư nhân, trong đó riêng viễn thông chiếm 21 tỷ USD.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Connected World, 4/10 lãnh đạo của các tập đoàn quốc tế coi viễn thông tốt là yếu tố năng lực cạnh tranh quốc tế, cơ sở cho quyết định chọn địa điểm đầu tư
Thực tế, đầu tư vào viễn thông hiện đại đang là “cơn sốt” trên khắp lục địa đen. Những tuyến cáp quang băng rộng đã rút ngắn kết nối giữa châu Phi với châu Á, châu Âu và châu Mỹ, đặc biệt những quốc gia như: Nam Phi, Mozambique, Tanzania, Nigeria và Kenya.
Sự cải thiện về viễn thông đã giúp cho các công ty châu Phi cạnh tranh tốt hơn trên sân chơi toàn cầu. Viễn thông có thể trở thành ngành kinh tế lớn nhất châu lục, “phế truất” ngành công nghiệp khai thác và chế biến dầu khí đã tại vị nhiều thập kỷ qua.
Thị phần của Việt Nam
Hiện tại, đầu tư vào viễn thông ở châu Phi chủ yếu là từ châu Âu với France Telecom, Vodafone, Portugal Telecom,Deutsche Telekom; Trung Đông với MTC, Zain và gần đây nổi lên Trung Quốc với Huawei và ZTE và Ấn Độ với Bharti.
Trước sự giành giật quốc tế tại thị trường viễn thông châu Phi, liệu Việt Nam có thể thành công? Hay thành công của Viettel tại Mozambique với việc khai trương mạng điện thoại di động Movitel trị giá 400 triệu USD chỉ là cá biệt?
Theo bảng xếp hạng các công ty viễn thông lớn nhất thế giới năm 2011, Viettel xếp thứ 19, tăng 5 bậc so với lần xếp hạng trước đó.
Trên bình diện quốc gia, cơ quan đánh giá kinh doanh BMI của Anh đã xếp hạng Việt Nam đứng thứ 14 khu vực châu Á – Thái Bình Dương về lĩnh vực viễn thông trong năm 2011. Những điều này là cơ sở thuyết phục cho khả năng cạnh tranh của Việt Nam tại châu Phi trong lĩnh vực viễn thông.
Movitel hiện sở hữu 50% hạ tầng mạng di động và 70% hạ tầng mạng cáp quang, phủ sóng 100% số huyện ở Mozambique, những cơ sở quan trọng để trở thành mạng di động lớn nhất Mozambique trong thời gian tới.
Theo Marketingchienluoc