Nguyễn Xuân Thành: Cần một hệ thống ít ngân hàng nhưng quy mô lớn

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chính sách công, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright đã chia sẻ về những rủi ro mà hiện các ngân hàng Việt Nam đang đối mặt.
* Kinh tế thế giới và trong nước vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Trong bối cảnh đó, hệ thống ngân hàng được coi là khu vực nhạy cảm nhất. Đâu là những thách thức mà hệ thống ngân hàng Việt Nam đang phải đối mặt, thưa ông?
– TS Nguyễn Xuân Thành: Các ngân hàng Việt Nam đang phải đối mặt với ba thách thức lớn: Thứ nhất, thách thức trong giai đoạn hậu bùng nổ tín dụng. Từ đầu thập niên 2000 và đặc biệt là từ 2005 đến nay, ngân hàng tập trung cho vay các thị trường tài sản, trong đó có thị trường cổ phiếu và BĐS.
Điều này phần nào đã dẫn đến sự ra đời một loạt các ngân hàng mới, nhưng quy mô nhỏ, cho vay và hoạt động mang tính đầu cơ trên các thị trường tài sản. Các ngân hàng này có vốn chưa nhiều mà đã phải cho vay ngay một số khách hàng lớn, chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ.
Thứ hai, thách thức hệ thống khi cả nền kinh tế trong nước và toàn cầu cùng suy yếu. Chúng ta thường chỉ nói là nợ xấu xuất hiện ở cho vay BĐS, cho vay đầu cơ, các khoản cho vay trá hình… nhưng thực tế, đà tăng trưởng kinh tế Việt Nam chậm lại, chịu chung bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn mới là thách thức mang tính hệ thống hơn.
Các ngân hàng hiện nay sẽ phải đối phó với tình trạng: ngay cả các khoản vay vốn lưu động ngắn hạn của các doanh nghiệp làm ăn tốt cũng khó có khả năng được hoàn trả đúng hạn do các doanh nghiệp này mất thị trường. Do đó, vấn đề không chỉ là chuyện xử lý nợ BĐS hay là giải chấp các khoản cho vay chứng khoán mà rộng hơn, là xử lý những vấn đề mang tính hệ thống của cả nền kinh tế.
Thứ ba, thách thức từ những cú “sốc” do vấn đề sở hữu chéo và tính đại chúng rất thấp của ngân hàng. Các ngân hàng TMCP của Việt Nam đều do những nhóm cổ đông nắm giữ thông qua sở hữu chéo để từ đó có thể lách các quy định về đảm bảo hoạt động an toàn.
Cụ thể, nhóm cổ đông ngân hàng thành lập các công ty khác và các công ty này cũng góp vốn vào ngân hàng, ngân hàng lại cho các công ty đó vay. Khi gặp khó khăn tài chính thì khó khăn của nhóm cổ đông ấy ảnh hưởng trực tiếp đến ngân hàng.
* Trong ba thách thức nói trên, thách thức nào là lớn nhất?
– Đó là thách thức thứ hai. Hệ thống ngân hàng nên ứng phó bằng cách tự kiểm tra sức đề kháng của mình theo các kịch bản khác nhau khi nền kinh tế suy yếu, phân tích chi tiết đến từng khoản cho vay của ngân hàng, đánh giá trên từng khách hàng, đặc biệt là các khách hàng vay lớn.
Phải trả lời được các câu hỏi: Với các khoản nợ giữ lại, khoản dự phòng rủi ro liệu có đủ? Bao nhiêu ngân hàng cần hỗ trợ của NHNN, bao nhiêu ngân hàng sẽ phải tăng vốn? Liệu có thể tăng bằng cách phát hành trái phiếu chuyển đổi, các khoản vốn cấp 2 hay phải tăng vốn điều lệ cấp 1…
* Vậy, ứng phó với thách thức thứ nhất và thứ ba nên như thế nào?
– Thách thức thứ nhất liên quan đến vấn đề cho vay tập trung vào một nhóm khách hàng và khoản vay ấy lại ảnh hưởng đến thị trường, làm nợ xấu tăng lên rất cao, lớn hơn vốn chủ sở hữu của ngân hàng, làm ngân hàng mất vốn. Điều thuận lợi là thách thức này vẫn trong tầm kiểm soát vì chỉ tập trung vào các ngân hàng nhỏ, mới thành lập, quy mô tài sản chưa lớn. Do vậy, câu chuyện ứng phó ở đây là tái cấu trúc ngân hàng, xử lý nợ xấu bằng nguồn lực từ bên ngoài.
Để ứng phó với thách thức thứ ba, các ngân hàng phải minh bạch hóa, lành mạnh hóa các quan hệ và những hoạt động cho vay liên quan đến cổ đông. Đồng thời, Nhà nước cũng cần mạnh tay trong vấn đề này.
Một hệ thống ngân hàng có lợi nhuận tốt hơn rất nhiều so với hệ thống ngân hàng không có lợi nhuận. Không nên chỉ trích việc các ngân hàng có lợi nhuận quá cao, nhưng vấn đề là lợi nhuận cao ấy phải đi liền với sức mạnh của ngân hàng. Nhà nước nên khuyến khích các ngân hàng có lợi nhuận mà không chia hết cổ tức để đề phòng các rủi ro.
* Ông có thể cho biết một ví dụ cụ thể về một ngân hàng ở Việt Nam đã gặp thách thức và đã được xử lý thành công?
– Cuối thập niên 1990, Eximbank rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, liên quan đến một số hợp đồng cho vay rủi ro. Cụ thể, cho vay theo quan hệ, cho vay quá tập trung và liên quan đến một số vụ án kinh tế lớn.
Tuy nhiên, được sự hỗ trợ về tài chính của Nhà nước, thông qua việc NHNN giao cho Vietcombank tiếp quản, thực hiện các bước như: một thời gian dài ngưng không trả cổ tức cho các cổ đông; tập trung xử lý nợ xấu và bản thân Eximbank cũng đi tìm nguồn lực từ các cổ đông, thuyết phục các cổ đông mới để tái cấu trúc…
Đến năm 2003, 2004 Eximbank bắt đầu hồi phục và sau đó lớn mạnh, thoát khỏi sự kiểm soát đặc biệt của Nhà nước. Vào thời điểm đó, Eximbank đứng trên bờ vực phá sản, nhưng sau đó đã tái cấu trúc thành công, khác với một số ngân hàng cũng rơi vào sự kiểm soát đặc biệt, được tiếp quản bởi ngân hàng khác nhưng không thể gượng được và cuối cùng là giải thể như Ngân hàng Quế Đô.
* Dự đoán của ông về hệ thống ngân hàng Việt Nam trong tương lai?
– Cho dù có những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tồn tại của các ngân hàng, nhưng nhìn chung, vẫn có thể đánh giá là cả hệ thống ngân hàng vẫn đứng vững. Chắc chắn, trong thời gian tới, số lượng ngân hàng sẽ giảm. Đó là xu hướng tự nhiên và về mặt chính sách, cần phải hỗ trợ cho xu hướng này, để có một hệ thống ít ngân hàng hơn, nhưng quy mô của mỗi ngân hàng lớn hơn.

Theo Marketingchienluoc