Các nhà sản xuất lâu nay kêu ca về tình trạng hàng ứ đọng do sức mua quá trầm lắng, song thực tế, người dân vẫn khó tiếp cận hàng giá phải chăng. Lý do một phần vì giới kinh doanh bán lẻ quá lạm dụng các chiêu trò.
Khuyến mại như không
Điện máy là lĩnh vực có tốc độ thay mới sản phẩm rất cao. Xả hàng tồn kho, đại hạ giá những sản phẩm lỗi mốt để nhà sản xuất kinh doanh bắt đầu vào một chu kỳ sản xuất, cung ứng sản phẩm mới – vốn không xa lạ với người tiêu dùng tại những đô thị lớn. Tuy nhiên, độ lập lờ, thiếu minh bạch trong khuyến mại thì đứng đầu khiến người tiêu dùng bức xúc.
Nhắm mua chiếc tivi màn hình LED 40 inch của Samsung số hiệu UA40EH6030R đời 2012, nhưng càng tìm hiểu, anh Đỗ Văn Hiệp (Mỹ Đình, Từ Liêm) càng hoang mang. Số là vào trang web của hãng, anh thấy chiếc tivi đó chỉ được phân phối duy nhất tại một hệ thống siêu thị điện máy lớn. Chờ đợi một thời gian, so sánh đối chiếu tại trung tâm này thì giá cả và chế độ ưu đãi mỗi đợt một kiểu. Song, chung quy lại chỉ là những chiêu thức bán hàng bóng bẩy kiểu “bình mới”, còn giá cả vẫn là “rượu cũ”.
Theo anh Hiệp, đơn cử hồi tháng 5, giá bán chiếc tivi này chỉ 12,6 triệu đồng kèm khuyến mại tặng kèm 2 kính 3D (giá 900.000 đồng/kính). Sang nửa cuối tháng 8, giá bán niêm yết của chiếc tivi này vọt lên 14,9 triệu đồng với khuyến mại vỏn vẹn: “Nếu thanh toán qua thẻ master card sẽ được giảm 10%”.
Ngày 30/8, nghe nói có khuyến mại lớn, anh Hiệp trực tiếp đến tìm hiểu, thấy giá còn 13,9 triệu đồng, không kèm gì khác. Hiện tại, theo khuyến mại chạy từ nay đến cuối tháng 9 của trung tâm này, với giá 13,9 triệu đồng, khách mua sẽ được ưu đãi VAT 10% đồng thời tiếp tục giảm thêm 10% cho thủ thẻ master card. Mới nghe tưởng giá giảm nhiều, nhưng thực chất so với hồi tháng 5, anh Hiệp phân tích số tiền mà người tiêu dùng bỏ ra cũng chẳng khác gì.
“Ở một số nước châu Á như Ấn Độ, hai chiếc kính 3D được coi như phụ kiện đi kèm với chiếc tivi này, nhưng tại Việt Nam lại là hàng để bán. Hồi tháng 5, hai chiếc kính này được đưa vào chương trình khuyến mại tặng kèm mà giá bán khi ấy của chiếc tivi là 12,6 triệu đồng, thậm chí có người còn mua được ở mức 12,4 triệu đồng. Nhưng giờ mua tivi, có thể giá giảm còn 11-12 triệu đồng, khách hàng vẫn phải mất thêm tiền mua kính” – anh chỉ rõ.
Trường hợp khác là anh Trọng Hoàng, chủ một trang web về bất động sản ở Thanh Xuân (Hà Nội) cũng bức xúc vì các chiêu khuyến mại “lừa”, “nâng lên hạ xuống” hòng dụ người tiêu dùng của các trang web mua bán trực tuyến. Khách hàng rất dễ bị mắc mưu nếu trông vào các thông tin đánh bóng về mức độ giảm giá.
Ví dụ chiếc chảo Shachu, mặt đá hoa cương của Hàn Quốc anh đang quan tâm, trên trang mua chung được quảng cáo, giá bán hiện tại là 500.000 đồng – đã giảm 50% so với mức 1 triệu đồng ban đầu. Song, trên các trang mua sắm khác, giá bán chính thức chỉ 380.000 đồng hoặc thậm chí 355.000 đồng. Hay chiếc điện thoại Sony XperiaP LT22i trên trang chủ của FPT, giá niêm yết là 8,49 triệu đồng; trang Thế giới di động là 8,99 triệu đồng; trong khi cũng sản phẩm này trên trang Solo, giá “tự nhiên” được giảm từ mức 11,99 triệu xuống còn 8,499 triệu đồng, đi kèm thông tin: người tiêu dùng tiết kiệm được 3,491 triệu đồng (giảm được 29%!?).
Siêu thị: Khách chê mua sắm
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, thừa nhận, một nghịch lý trong sản xuất kinh doanh hiện nay đó là tồn kho nhiều nhưng bên bán không giảm giá. Những mặt hàng tiêu dùng nhanh vẫn lên giá liên tục như hóa mỹ phẩm, sữa bột, sản phẩm công nghệ. Việc các hệ thống siêu thị né tránh phản ánh về tình hình giá cả đầu vào điều chỉnh tăng theo giá nguyên liệu là do “sợ mang tiếng”.
Cập nhật tình hình các siêu thị nhân cuộc họp gần đây của Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, ông Phú ghi nhận, trước cơn “ớn lạnh” về sức cầu quá trầm lắng, các siêu thị thường phản ứng như sau: mặt hàng bán nhanh mà nhà sản xuất cung ứng đề nghị tăng giá 5-7% thì nhà phân phối đành chịu (vì không chấp nhận, chẳng có gì để bán); nhưng những mặt hàng bán chậm đòi tăng giá thì hai bên cò cưa, chia đôi chiết khấu, chịu thiệt một chút về lợi nhuận.
Theo ông Phú, con số tăng trưởng doanh thu bán lẻ của Hà Nội 8 tháng vừa qua, ghi nhận ở mức 6%, sau khi loại trừ yếu tố giá vẫn là chưa chính xác, mà thực chất chỉ còn 4%. Phần lớn siêu thị đều cho rằng, năm nay giữ được doanh số ở mức như năm ngoái, không sụt giảm đã là giỏi. Điều này có nghĩa là các siêu thị không có tăng trưởng doanh số.
Thậm chí, chủ một hệ thống siêu thị chia sẻ, doanh thu của hệ thống thường tăng trưởng 20-30%/năm; năm nay đã không tăng mà còn bị giảm 20-30%. Về phần mình, có vẻ như những người tiêu dùng cũng không được hưởng lợi từ sự khó khăn, cắt giảm của hệ thống phân phối.
Chị Vũ Thu Huệ, kinh doanh hàng ăn tại Tây Sơn, Đống Đa, cho hay, trước đây chị thường canh các đợt siêu thị giảm giá mạnh những mặt hàng thiết yếu như mỳ chính, dầu ăn, sữa đặc, giấy vệ sinh, xà phòng, kem đánh răng… để đi khuân về dự trữ làm hàng bán và tiêu dùng trong nhà. Nhiều đợt siêu thị khuyến mại “sốc”, chị cùng các bà hàng xóm thay nhau túc trực cả ngày để mua hàng. Riêng nhà chị có thời điểm tích được 500 lít dầu ăn, vài thùng mỳ chính. Tầng hai nơi vợ chồng chị sinh sống, lúc nào cũng ngồn ngộn hàng hóa để tiêu dùng cả năm.
Vậy mà gần đây chị chán đi siêu thị. Lý do: không chỉ là ít khuyến mại thực chất mà siêu thị ngày càng áp dụng các chiêu trò bán hàng giới hạn người mua. Chẳng hạn, một siêu thị lớn khu vực Cầu Giấy hiện áp dụng khuyến mại giảm giá sâu theo kiểu mỗi ngày một món chứ không phải cùng lúc giảm giá nhiều mặt hàng thiết yếu như trước. Nếu muốn mua, khách đành phải đi siêu thị hàng ngày. Bên cạnh đó, họ còn giới hạn việc mua hàng khuyến mại bằng cách quy định chỉ với hóa đơn thanh toán có giá trị nhất định, khách mới được quyền mua một mặt hàng nào đó.
“Rõ ràng áp dụng cách làm này, siêu thị phân bố được lượng hàng giảm giá, khuyến mại tới nhiều khách hàng hơn. Tuy nhiên những người “săn” khuyến mại, chuyên mua sắm nhiều như tôi nản chí” – chị Huệ cho hay.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, năm ngoái, tổng mức bán lẻ của thành phố đạt xấp xỉ 230.000 tỷ đồng. Kế hoạch năm nay tăng trưởng 30% nhưng chắc chắn chỉ đạt mức tăng trưởng 20% nếu tính cả các yếu tố tăng giá. Số dân nhiều lên, mặt bằng lương cơ bản cũng cao hơn nhưng mua sắm lại ít đi phản ánh đời sống, tình hình kinh tế của người dân rất khó khăn. Nếu không có những giải pháp hay từ giới kinh doanh thì tình trạng ế ẩm vẫn kéo dài mà người có nhu cầu, có khả năng thanh toán cứ đứng ngoài cuộc.
Theo Kinhtetapdoan