Nạn hàng giả, hàng nhái trên internet, có bó tay?

Gần đây, L’Oréal, hãng mỹ phẩm danh tiếng đến từ Pháp, phát hiện ra một số trang web tại Việt Nam quảng cáo và chào bán các sản phẩm mang nhãn hiệu của L’Oréal với giá rẻ bất ngờ. Người ta cũng có thể dễ dàng tìm thấy nhiều thương hiệu nổi tiếng khác như Chanel, Versace, Louis Vuitton… được chào bán với giá chỉ từ vài trăm ngàn đồng. Một số hãng đã tiến hành kiểm tra và kết quả không có gì bất ngờ: 100% sản phẩm mang các nhãn hiệu danh tiếng trên đều là hàng giả mạo.
Xử ai?
Hàng giả được quảng cáo, bày bán tràn lan trên internet quả thật đã không còn xa lạ tại tất cả các nước. Sau một vài bỡ ngỡ ban đầu, các nước đều tìm ra phương cách để đấu tranh chống lại hiện tượng này một cách hiệu quả. Ví dụ, nếu website bán hàng trực tuyến nhân danh chính mình, thì chủ sở hữu của những website này phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với những hàng hoá được bày bán, nói cách khác, trách nhiệm đó không khác gì chủ một cửa hàng ngoài chợ, ngoài phố. Trong trường hợp website không phải là của bên bán mà của người cung cấp hạ tầng, gian hàng trực tuyến (cung cấp để hưởng chiết khấu, hoa hồng của bên bán và bên mua), như eBay chẳng hạn, thì tuỳ theo từng quốc gia lại có những cách xử lý riêng; chẳng hạn như nếu website trung gian này tham gia tích cực và chủ động vào quá trình giao dịch, thì người cung cấp website sẽ phải chịu trách nhiệm trực tiếp cùng với bên bán, còn trong trường hợp website chỉ đóng vai trò trung gian, kỹ thuật thuần tuý thì sẽ phải chịu trách nhiệm về hàng giả, hàng nhái bày bán trên website của mình sau khi đã được chủ sở hữu của những nhãn hiệu, thương hiệu bị làm giả thông báo về hiện tượng đó.
Tại Việt Nam, các quy định pháp luật hiện nay tuy vẫn còn rất sơ sài nhưng không vì thế mà không thể xác định được trách nhiệm thuộc về ai. Trong trường hợp bán hàng trực tiếp, thậm chí pháp luật – trong một số trường hợp – còn mở rộng trách nhiệm đến cả những người chỉ đóng vai trò cung cấp dịch vụ mạng/kỹ thuật, khi không kịp thời loại bỏ những thông tin trái pháp luật sau khi nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền (điều 47.3 luật Giao dịch điện tử).
Ai xử?
Từ việc xác định được ai chịu trách nhiệm đối với hàng giả, hàng nhái trên internet, sẽ tạo thuận lợi cho việc xác định những cơ quan nào có thẩm quyền xử lý. Toà án là cơ quan có thẩm quyền rõ ràng nhất trong tất cả những vụ việc có cùng tính chất. Các chủ thể có thể khởi kiện để yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm hoặc đòi bồi thường thiệt hại. Trong quá trình xem xét vụ việc, tòa án cũng có thể áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để đảm bảo quyền lợi của nguyên đơn, cũng như đảm bảo hiệu quả của việc xét xử. Tuy nhiên, khởi kiện ra toà – mặc dù rất phổ biến tại các nước – nhưng lại ít khi được sử dụng tại Việt Nam do trong suy nghĩ của người bị hại, đây là biện pháp mất nhiều thời gian, thủ tục phức tạp, hơn nữa, cái được khi thắng kiện có khi còn ít hơn cái mất trong quá trình theo kiện. Chính vì vậy mà người bị hại, nhất là các chủ sở hữu của những thương hiệu/nhãn hiệu bị làm giả, hoàn toàn có thể nghĩ đến việc áp dụng các biện pháp hành chính, và nếu những cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực này không thoái thác nhiệm vụ của mình, vụ việc có nhiều khả năng sẽ được xử lý nhanh chóng. Ví dụ, theo quy định tại nghị định số 97/2010 thì các cơ quan có thẩm quyền xử lý hàng giả mạo là công an (cảnh sát kinh tế), quản lý thị trường (chi cục quản lý thị trường các tỉnh, thành), thanh tra khoa học và công nghệ – ngoài mức phạt tiền cao nhất lên đến 500 triệu đồng – còn có thể áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung như đình chỉ kinh doanh hoạt động thương mại điện tử và/hoặc biện pháp khắc phục hậu quả, như buộc loại bỏ thông tin về hàng hoá, dịch vụ vi phạm trên phương tiện quảng cáo, trang tin điện tử (điều 12 nghị định số 97/2010) đối với người hoặc tổ chức vi phạm.
Như vậy, nếu người bị hại hiểu rõ các quy định của pháp luật cũng như các cơ quan chức năng chủ động trong việc đấu tranh chống nạn hàng giả, hàng nhái trên internet thì vấn nạn này có thể sẽ bị đẩy lùi đáng kể.

Theo Lê Xuân Lộc