Giá “phân biệt” – Mất khách hàng

Cùng với việc hợp tác với một số đối tác như nhà cung ứng, công ty quảng cáo, công ty bảo hiểm, các tổ chức xã hội,… thì ngày nay, sự kết hợp với các ngân hàng thương mại trong việc thanh toán đang được các nhà bán lẻ ưa chuộng.
Thông qua sự hợp tác này, các ngân hàng sẽ trở thành người cung cấp gói các sản phẩm – dịch vụ ngân hàng cho nhà bán lẻ, trong đó phải kể đến việc cung cấp thiết bị thanh toán và dịch vụ thanh toán thẻ tại quầy thu ngân giúp khách hàng có thể thực hiện các giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng thẻ ngân hàng.
Sự kết hợp giữa hai bên này thường mang lại cho mỗi loại hàng hóa một mức giá thấp hơn giá thông thường. Những khách hàng có thẻ ATM của ngân hàng là đối tác của người bán đương nhiên là người có lợi về giá. Nếu sử dụng thẻ đó trong việc thanh toán, họ có nhiều cơ hội được nhận các khoản chiết khấu trên giá bán hiện tại, giúp họ tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ. Đặc biệt, với những mặt hàng có giá trị lớn thì việc chiết khấu này lại càng có ý nghĩa, nó khiến bất cứ người mua nào cũng không khỏi đắn đo khi chọn phương thức thanh toán, nơi mua thứ hàng hóa mình cần.

Có thể dễ dàng nhận ra rằng, sự kết hợp giữa hai bên – nhà bán lẻ và ngân hàng – trên thực tế đã mang lại lợi ích cho cả ba bên: nhà bán lẻ, ngân hàng và khách hàng.
Theo đó, nhà bán lẻ đạt được mục tiêu thỏa mãn tối đa nhu cầu sử dụng thẻ của khách hàng, khuyến khích khách hàng sử dụng thẻ thanh toán thay thế tiền mặt, thúc đẩy việc mua hàng; ngân hàng có thêm nhiều khách hàng mới, nâng cao hiệu quả sử dụng thẻ cho khách hàng; người mua có cơ hội mua hàng hóa với các mức giá hấp dẫn.
Tuy nhiên, việc nào cũng có mặt trái của nó, và sự hợp tác trên không phải là một ngoại lệ.
Điều hiển nhiên là, thông qua hình thức thanh toán mang tính “phân biệt” này, người bán đã tìm được một cách khá hữu hiệu để thu hút và giữ chân những khách hàng là chủ thể của thẻ ngân hàng mà họ hợp tác. Nhưng đồng thời, họ đang đánh mất những khách hàng khác là những người không có thẻ ngân hàng hoặc có thẻ của ngân hàng khác.
Chỉ tính riêng những khách hàng có thẻ của ngân hàng khác, số lượng này cũng đã lớn hơn nhiều lần so với số khách hàng là chủ thẻ của ngân hàng đối tác. Trong khi người bán hầu hết chỉ hợp tác với một ngân hàng trong việc thanh toán.
Tâm lý chung của người tiêu dùng khi mua hàng là luôn muốn mua được thứ mình cần với mức ưu đãi tốt nhất có thể, họ luôn so sánh lợi ích họ có được khi mua và tiêu dùng cùng một loại sản phẩm của những nhà bán hàng khác nhau. Không lấy gì đảm bảo rằng, trước những thông tin khuyến mại dành cho đối tượng khách hàng là chủ thẻ của một ngân hàng nào đó, những người tiêu dùng không có thẻ hoặc có thẻ của một ngân hàng khác sẽ muốn làm một chiếc thẻ ATM của ngân hàng được nhắc tới, vì việc đó có thể gây phiền phức, tốn kém thời gian cho họ. Và khi không đạt được mức giá thấp thông qua việc thanh toán bằng thẻ ngân hàng, họ sẽ không sẵn lòng mua thứ hàng hóa đó với mức giá bình thường, mà rất có thể sẽ tìm tới một nhà bán hàng khác với một hình thức ưu đãi khác mà họ có thể đạt được.
Người tiêu dùng luôn muốn tìm hiểu tất cả các khả năng để giành được một sự ưu đãi nào đó, bằng cách này hay cách khác. Rõ ràng, những hình thức khuyến mại kèm theo một mớ các điều kiện này nọ sẽ là không hấp dẫn với một tập hợp những người tiêu dùng nhất định.
Thực sự, với cách đặt giá mang tính “phân biệt” trên, những người bán hàng đang làm “chùn bước” một lượng lớn khách hàng tiềm năng của mình.

Theo Trần Thị Thu