Để nhân viên nói thật với sếp?

Có hai sai lầm lớn nhất của một người lãnh đạo. Thứ nhất là nghĩ rằng mình không thể sai và thứ hai là không nắm được những gì thực sự xảy ra trong tổ chức của mình. 
Trên thực tế, hai sai lầm này lại thường liên quan đến nhau. Khi những người lãnh đạo quá tự tin và cho rằng mình luôn luôn đúng, mọi người xung quanh họ thường không nói cho họ sự thật. Chính vì thế, với người lãnh đạo, vũ khí tốt nhất để phòng chống sự thất bại là tạo ra môi trường mà trong đó mọi người sẵn lòng nói thật. 
Một blogger nổi tiếng về nhân sự Amy Gallo cho rằng, lý do chính khiến nhân viên không thẳng thắn với sếp là sự sợ hãi. Dù có thừa nhận hay không, thì người lãnh đạo thường có nhiều quyền lực có thể gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhân viên. Và khi cảm thấy cần thiết, họ sẽ có hành động để bảo vệ chính mình bằng bất cứ cách nào. Đáng tiếc là điều này rất phổ biến.
Vì vậy, cách duy nhất để mọi người nói thật là làm cho họ cảm thấy an toàn. Cách này có thể áp dụng không chỉ ở nơi làm việc mà cả với bạn bè, người yêu, chồng hay vợ, con cái… Dưới đây là những bí quyết để mọi người quanh bạn cảm thấy an toàn và nói với bạn sự thật:
Khuyến khích
Phần lớn mọi người không tự đến và nói với sếp sự thật. Điều đó quá rủi ro, họ không biết phản ứng của người lãnh đạo sẽ ra sao. Vì thế, nếu bạn thực sự muốn mọi người nói thật, hãy hỏi họ. Bạn có thể bắt đầu từ một số ít: tìm một vài người có vẻ dũng cảm và thẳng tính, hỏi họ về tình hình và quan điểm của họ. Sau đó, bất kể họ nói gì….
Cổ vũ
Đây là yếu tố then chốt. Nếu sếp khuyến khích mọi người nói thật, sau đó lại phản ứng theo cái cách làm mọi người thấy hối tiếc vì đã nói ra, thì ông ta đã thất bại hoàn toàn. Chẳng hạn, có trường hợp một vị giám đốc phát biểu trong cuộc họp với nhân viên rằng ông thực sự muốn họ đưa ra những ý tưởng đột phá để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Nhưng khi một người trong số họ mạnh dạn đề xuất một ý tưởng có vẻ rất mới lạ, thì ông ta ngay lập tức cho rằng ý tưởng đó thật vớ vẩn và không khả thi !
Khi bạn muốn họ nói thật, hãy lắng nghe nghiêm túc. Đừng phản đối, bênh vực hay thanh minh, cho dù sự thật đó rất khó nghe. Nếu lắng nghe một cách kiên nhẫn, nghiêm túc với những ý kiến trái chiều với quan điểm của mình, cách xử sự của bạn không làm người nói phải hối tiếc vì đã chia sẻ quan điểm, bạn sẽ dần dần xây dựng được một văn hóa làm việc, mà ở đó mọi người sẵn lòng nói thật. 
Tôi không có ý nói rằng người lãnh đạo phải đồng ý với tất cả những gì được nghe. Nhưng đầu tiên là phải lắng nghe (lắng nghe ở đây là với một thái độ đúng đắn, không phải là chỉ ngồi đó với khuôn mặt như tượng đá, đặt thêm những câu hỏi để hiểu, ghi chép nếu có nhiều thông tin cần phải nhớ, tóm lại những ý chính để khỏi quên). Người lãnh đạo phải lắng nghe để mọi người cảm thấy mình được nghe và được khuyến khích phát biểu ý kiến, rồi sau đó nói :”Tôi có một quan điểm khác…” và cuộc nói chuyện sẽ trở thành một thảo luận hai chiều tích cực. Và sau đó, bạn phải…
Ủng hộ
Nói thật sẽ không phải chịu hậu quả gì xấu. Đây là một nhiệm vụ quan trọng với người quản lý, nếu không họ sẽ không nhận được sự thật nữa. Một nhân viên nói ra những sự thật khó nghe, hay góp ý thật lòng theo lời yêu cầu của sếp, sẽ không phải chịu những hậu quả tiêu cực từ lời nói của mình (chẳng hạn như bị đối xử lạnh nhạt, bị giảm quyền lợi, ưu tiên, hay giao nhiều việc hơn). Đây sẽ là một tín hiệu rõ ràng cho mọi người hiểu rằng, hoàn toàn yên tâm nếu họ nói thật với sếp. 

Hành động theo 
Cuối cùng, nếu bạn muốn mọi người cảm thấy rằng thật xứng đáng khi nói thật, hãy thay đổi cách xử sự từ những gì bạn được nghe. Điều này không phải lúc nào cũng xảy ra, nhiều ý kiến góp ý về công việc hay mô hình có thể không phù hợp. Tuy nhiên, điều này rất quan trọng khi mọi người đã đủ dũng cảm để phản hồi về cách xử sự của người lãnh đạo. Chẳng hạn, một nhân viên đã thực sự dũng cảm và tin tưởng ở sếp khi nói với sếp rằng việc sử dụng điện thoại, máy tính trong cuộc họp giao ban hàng tuần sẽ khiến mọi người có cảm giác ông ta đang xao lãng công việc. Cách phản ứng thích hợp ở đây là cám ơn người nói và đừng làm điều đó nữa. 
Điều quan trọng mà chúng ta phải luôn nhớ rằng chân thật với sếp (cũng như với vợ, chồng, bố mẹ, bạn bè…) là điều không dễ. Nếu một nhà quản lý có thể làm cho nhân viên cảm thấy nói thật là dễ dàng, xứng đáng và bình thường, thì những sự thật được nói ra sẽ tạo nên thành công cho người lãnh đạo đó.

Theo VnMedia