Bài học từ cháy rừng : Sinh tồn trong suy thoái

Hàng triệu năm qua, quy luật tự nhiên đã đưa các cánh rừng già trải qua vô vàn cơn hoả hoạn. Vài trăm năm trở lại đây, lực lượng cứu hoả ở các vạt rừng rậm rạp được huấn luyện để dập lửa càng nhanh càng tốt. Song có ý kiến quả quyết rằng, thành công ngày càng cao trong chữa cháy chưa hẳn đã là một tín hiệu đáng mừng.
 
Khi người ta đang cố sức ngăn cản lửa thực hiện nhiệm vụ điều hoà hệ sinh thái tự nhiên thì thảm hoạ với những cánh rừng, với những con người sống xung quanh nó ngày càng lớn. Lửa đóng vai trò thiết yếu trong việc quét sạch các tàn tích cũ và tạo nên diện mạo mới cho khu rừng.
Nếu không có lửa thì những cành cây khô và lá rụng sẽ không được làm sạch thường xuyên; qua thời gian, lớp thực vật này bị mục dần và biến thành tầng tầng lớp lớp nhiên liệu gây cháy ngay dưới nền của khu rừng. Để rồi một ngày kia, chỉ cần một mồi lửa nhỏ, chúng sẽ bùng lên ngùn ngụt, thiêu rụi với tốc độ và mức độ kinh hoàng hơn bất kỳ đám cháy thông thường nào. Khi điều đó xảy ra, hiểm hoạ đến với khu vực dân cư lân cận là điều không phải bàn cãi.
Bên cạnh đó, lửa còn có vai trò tái tạo. Một số cây như gỗ thông chỉ có thể sinh sôi nhờ một tác nhân là lửa; loài cây này khép chặt các bó hạt giống trong lớp nhựa cây và chỉ dưới sức nóng của lửa, lớp nhựa cây này mới tan chảy và giải phóng các bó hạt.
Suy thoái cũng giống như một trận cháy rừng – nó sẵn sàng thiêu rụi mọi vật cản trên đường đi. Từ hàng trăm năm qua, các quốc gia và các tập đoàn đã ra sức chống chọi trước từng đợt khủng hoảng tàn khốc bằng những chính sách tài khoá và tiền tệ ở quy mô quốc gia lẫn quy mô đơn lẻ của từng tổ chức. Nhưng rồi, kết cục, cho tới tận ngày hôm nay, con người vẫn tiếp tục vật lộn.
Nước Mỹ và thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng lần này giống như một con quái vật lửa – nó vùng dậy sau bao ngày bị kìm nén – với có sức tàn phá vô cùng khủng khiếp. Minh chứng là nước Mỹ dù không muốn nhưng cứ mối ngày qua đi, lại chứng kiến thêm 350 vụ phá sản bao gồm cả những tên tuổi lớn như GM, Crabtree hay Evelyn.
Trong tương lai, với sự bùng nổ dân số, sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên cùng thách thức đến nền kinh tế đầu tầu là Hoa Kỳ, thế giới sẽ còn phải trải qua nhiều thảm hoạ kinh tế còn khủng khiếp hơn nhiều. Liệu bài học về cháy rừng có mách bảo cho chúng ta điều gì để tồn tại trong thế giới đầy nguy cơ tiềm tàng này không?
1. Hãy để lửa cháy theo định kỳ
Nền kinh tế Mỹ chưa bao giờ phải nếm trải bất kỳ một cú đánh nào từ dấu chấm hết cho thời kỳ bùng nổ thương mại điện tử bởi ngay sau đó, người ta đã được khoả lấp ngay bằng bùng nổ thị trường nhà đất – bong bóng phát triển cũng từ những chính sách tín dụng quá dễ dãi.
Đã đến lúc, các ngân hàng Trung ương cần phải quen với việc cho nền kinh tế nếm trải những va vấp nhất định thay vì liên tiếp ru ngủ giới kinh doanh bằng những chính sách dễ dãi khiến họ lao đầu vào những cuộc phiêu lưu mới – những cuộc chơi chỉ đưa họ đến kết cục là một cuộc khủng hoảng sâu rộng.
Giới kinh doanh phải luôn biết cảnh giác trước những thách thức đối với sự sống còn của tổ chức mình. Dám đương đầu với những thay đổi thay vì chỉ biết trốn chạy. PepsiCo – nhà sản xuất nước soda và bánh snacks mặn hàng đầu thế giới – đã biết nhìn xa trông rộng khi chủ động chuyển hướng từ các sản phẩm đã có chỗ đứng sang các sản phẩm có lợi cho sức khỏe.
Thay vì gồng mình kìm hãm tốc độ biến đổi khẩu vị của người tiêu dùng, họ đã nỗ lực tạo ra các sản phẩm đi trước cả nhu cầu của người tiêu dùng và vì thế họ trở thành người chiến thắng trong môi trường kinh doanh mới.
2. Hãy luôn sẵn sàng đương đầu với lửa
Ta nhận thấy ở những thân cây có tư thế sẵn sàng đương đầu trước lửa một vài điểm chung. Trước hết, chúng tự thu gọn cành lá: các cành ở tầm thấp tự rụng theo định kỳ. Thứ hai, chúng phát triển lớp vỏ xù xì và bám rễ sâu. Các tổ chức cũng có thể tự phòng vệ theo cách này.
Nguyên tắc thứ nhất: hãy tự kiện toàn bộ máy, thường xuyên sắp xếp nhân sự một cách hợp lý để bảo đảm rằng bạn đã giao đúng khối lượng công việc cho nhân viên, theo đúng năng lực và quyền hạn của họ và rằng bạn sẵn sàng thải hồi những cá nhân trì trệ. Rất nhiều lãnh đạo giật mình nhận ra rằng đáng ra mình đã phải làm công việc này từ ngay thời điểm xuôi chèo mát mái chứ không phải đợi đến khi khủng hoảng ập đến mới bắt tay làm.
Lớp vỏ xù xì cùng bộ rễ bám sâu vào lòng đất tượng trưng cho nỗ lực của đội ngũ nhân viên luôn cống hiến cho tổ chức của họ. Họ cần nắm vững những mục tiêu định hướng của tổ chức, tin tưởng vào công việc họ đang làm, và hiểu về những thay đổi quanh mình. Khi ngọn lửa tràn đến, họ sẽ sẵn sàng ứng phó với một tấm lòng nhiệt thành thực sự thay vì chỉ biết co cụm vào lo cho bản thân mình.
Tại công ty Genentech, nhóm nhân viên Green Genes gồm 600 thành viên trong tổng số hơn 11.000 nhân viên công ty đã tích cực tìm ra giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường cho sản phẩm và quy trình sản xuất của công ty và thôi thúc những nhân viên khác cùng thực hiện lối sống bền vững hơn. Những công ty công nghệ sinh học đã và đang phải đối mặt với thách thức từ xã hội văn minh chắc rằng có thể xem những gì mà nhóm nhân vien Green Genes này như một ví dụ điển hình trong việc xây dựng các mối quan hệ và niềm tin của nhân viên.
3. Tự tạo ra sự thay đổi thay vì chấp nhận sự thay đổi của hoàn cảnh
Chính bản thân các loài thực vật đã tự có những bước chuẩn bị kỹ càng để chống chọi trong môi trường dễ bắt cháy. Trong những khu rừng nguyên sinh nơi tầng lớp các loài thực vật tạo thành những thảm lá dễ bắt lửa, việc giữ lại các nhánh cây ở tầm thấp chỉ làm tăng nguy cơ bắt lửa. Vậy tại sao cây cối lại hình thành song song cả cơ chế tự phóng hoả? Giống như loài gỗ thông, rất nhiều loài thực vật có các hạt mầm chỉ được giải phóng nhờ sức nóng của lửa và nhựa sống trong chúng chỉ thực sự sinh sôi khi cuộc tranh đấu bắt đầu.
Qua nhiều năm, thực tế đã chứng minh, để đối mặt với những biến chuyển khôn lường, không gì hiệu quả hơn cơ chế định giá giá trị. McDonald’s đã tự cứu mình ra khỏi suy thoái bằng việc vận hành hiểu quả bộ máy và chuỗi cung ứng để giảm giá thành đúng vào lúc người tiêu dùng trông đợi không gì hơn ngoài dịch vụ tốt với mức giá phải chăng. Tập đoàn này cũng đã tận dụng cơ hội củng cố nguồn cung nguyên liệu tại chỗ để luôn kịp thời đáp ứng khẩu vị thay đổi không ngừng của người tiêu dùng.
Tiếp đến, nguyên tắc thứ ba trong chủ nghĩa tư bản tự nhiên [1] đã tạo nền móng cho sự ra đời của một mô hình kinh doanh mới: chuyển đổi sang mô hình kinh doanh “Dịch vụ và Lưu chuyển”. Mối quan hệ ngày càng khăng khít với người tiêu dùng giúp những công ty nhanh chóng điều chỉnh dịch vụ của mình theo sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng. Khi những ngành tự động hoá truyền thống chững lại, các công ty này đã sẵn sàng tiến vào một kỷ nguyên mới.
Theo tổ chức Nature Conservancy [2], hơn một nửa diện tích toàn cầu cần những trận hoả hoạn để duy trì hệ sinh thái lành mạnh từ những cánh rừng thông ở miền bắc nước Mỹ cho tới vùng đồng bằng và những cánh rừng xavan ở châu Phi, Nam Mỹ và Đông Á. Giới kinh doanh cần nhạy bén để học hỏi đôi điều về sự linh hoạt trước môi trường sống của những cánh rừng.

Theo Adam Werbach